Sài Gòn, nơi mảnh đất của hàng triệu người chọn làm nơi lập nghiệp, làm quê hương thứ hai của họ. Và chính những con người ấy đã làm cho Sài Gòn trở nên nhiều màu sắc hơn bởi các làng nghề hay chỉ đơn giản là một món ăn được gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khách tiếp nối nhau.
Gánh đậu hũ đến xe chè để mưu sinh
Một trong những hình ảnh về món ăn cũng như hương vị nơi góc con hẻm nhỏ 236, đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM là một chiếc xe chè đẩy nho nhỏ của một phụ nữ. Khi hỏi đến đây, hỏi ai thì họ cũng đều biết đến và tới tấp khen ngon.
Chủ xe chè là bà Huỳnh Thị Phù Dung (hay gọi với cái tên thân thương là bà Hai), năm nay đã ngoài 60 tuổi. Bà là người gốc Hoa. Nhưng do ông nội của bà trước đây chọn Sài Gòn làm quê hương từ ngày chiến tranh nên bà ở Sài Gòn.
Ban đầu, bà Hai cùng cha lên Sài Gòn và ở trọ với một người phụ nữ quê ở Phan Thiết làm nghề bán chè. Lúc đó bà Hai chỉ mới có 8 tuổi.
Với sự nhanh nhẹn nên hàng ngày bà Hai chỉ nhìn những thao tác trong công việc từ khâu chuẩn bị, nấu và đi bán của người phụ nữ Phan Thiết kia, dần dần bà Hai đã học được công thức nấu chè cũng như cách chọn nguyên liệu tốt để nấu ra những cốc chè thật ngon.
Nhưng do hoàn cảnh gia đình, bà phải bỏ nghề rồi chuyển sang chọn gánh đậu hũ để mưu sinh.
Bà đi bán khắp cùng các con hẻm nhỏ của Sài Gòn. Nhưng dần dần do khách của bà chuộng chè hơn nên bà lại chọn gánh chè mà bà đã từng được học cách nấu chè cũng như nêm nếm hồi bé.
Quả thật đúng là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề, chè của bà Hai những ai đã ăn là nghiện và phải gọi đến tận nhà để ăn.
Vì sức khỏe không tốt, không thể đi lại được nên bà Hai chuyển sang xe đẩy bán chè ở 1 góc nhỏ trong con hẻm 236, đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Và không biết tự bao giờ bà Hai luôn gắn bó với nghề bán xe chè đẩy suốt hơn 30 năm trời.
Kỹ lưỡng đến từng khâu chuẩn bị
Gọi là xe chè đẩy thôi chứ chẳng có bảng hiệu, thực đơn,… mà chỉ có những nồi chè được đặt trên một chiếc xe đẩy cùng vài chiếc ghế.
Xe chè của bà Hai rất đặc biệt ngoài đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ thì cứ mỗi ngày trong tuần bà Hai lại có thêm một món chè mới. Chè thưng thì vào thứ hai, chè bà ba thì thứ ba, thứ tư thì chè chuối,… Nhiều người khách ăn thành khách quen nên họ nắm được cả ngày làm từng món chè của bà.
Xe chè của bà Hai bán từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối. Ngày nào đông khách thì mới 6 giờ chiều bà đã hết sạch cả xe chè.
Để cho ra được những chén chè thật ngon bà Hai phải mất đến 5 tiếng chuẩn bị và nấu các món chè hàng ngày. Các nguyên liệu được bà Hai chọn mua rất lỹ lưỡng tận Long Xuyên. Bởi theo bà nguyên liệu ở đó mới tạo được vị béo bà bùi của đậu.
Ngoài ra, một chén chè không chỉ phải ngon mà còn phải đẹp mắt. Như chè chuối thì nấu không được thâm tím, chè đậu đen có màu đen phải óng ánh,…
Nhờ vào sự kỹ lưỡng và sạch sẽ trong từng khâu nấu chè mà xe chè của bà Hai đều được lòng rất nhiều khách khi ghé đến.
Khách của bà Hai toàn là những sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng nên bà chỉ lấy giá 5 ngàn một chén bởi bà luôn quan niệm lời ít nhưng thu hút đông người ăn.
Ngọc Nhiên