Chỉ trong một thời gian ngắn người dân đã nhận được hàng loạt những thông tin khác nhau liên quan đến vấn đề xử phạt xe không chính chủ.
Đầu tiên người dân “giật mình” vì “bỗng dưng” một hành vi xảy ra phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, hành vi sử dụng xe không chính chủ bị xử phạt. Với mức phạt lên đến một triệu đồng đã khiến không ít người dân hoang mang, lo ngại. Bởi lẽ một bộ phận người dân lao động đang đi xe không chính chủ. Và dĩ nhiên việc xử phạt đó có liên quan trực tiếp đến miếng cơm, manh áo của họ.
Đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng phòng CSGT - CA TP.Hà Nội.
Người dân lên tiếng, chuyên gia pháp lý vào cuộc. Những bài viết mổ xẻ, phân tích tính hợp lý, hợp tình của quy định trên. Sức ép dư luận lên các nhà làm luật, làm chính sách quả là không hề nhỏ. Và bắt đầu cho những phát ngôn khiến dư luận “chóng mặt”, chưa kịp mừng “hụt” đã phải phát lo.
Không phạt xe gia đình, xe đi mượn, đi thuê
Tháng 11/2012 Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) - khẳng định đã chỉ đạo chưa xử phạt người điều khiển xe mang tên người khác.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, nếu thấy người điều khiển phương tiện có đăng ký xe có tên khác với tên trên giấy phép lái xe của người điều khiển (sử dụng xe không chính chủ) và người dân trình bày đây là xe gia đình, xe đi mượn, thuê thì chưa xử phạt với hành vi này.
Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn trong đó quy định khi người bị xử phạt hành chính rơi vào trường hợp giữa đăng ký xe và giấy phép lái xe không khớp nhau thì yêu cầu xuất trình chứng cứ sử dụng xe mượn, thuê, xe gia đình, chứ không có chuyện bắt người dân mang theo hộ khẩu, lý lịch khi ra đường.
Không phạt lỗi xe chính chủ khi xe đang lưu thông
Ngày 1/3/2013 Bộ công an đã ban hành Thông tư 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02/10/2010 và Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/09/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Tại Thông tư này, Bộ Công an quy định không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định"; mà chỉ có thể thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự.
“Rút” quy định xử phạt xe không chính chủ
Chiều nay 11/3, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay, quy định xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được khẳng định trong Luật hiện hành, các Nghị định trước đây (Nghị định 15, Nghị định 34, Nghị định 71). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 71, điều khoản xử phạt này không có tính khả thi nên đề nghị Ban soạn thảo cần đưa điều khoản ra khỏi Nghị định.
Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Mức phí xử phạt tăng lên quá cao và quá trình triển khai thực hiện điều khoản này quá khó nên tính khả thi của điều khoản xử phạt không cao. Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những văn bản pháp luật một cách đồng bộ, khi xét thấy việc xử phạt có tính khả thi cao, khi hệ thống văn bản hướng dẫn được đầy đủ thì mới đề nghị bổ sung vào Nghị định 71 hoặc đưa vào văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp hơn, công khai và minh bạch hơn”.
Bộ công an quyết tâm phạt xe không chính chủ
Mặc dù Bộ GTVT chưa đồng ý với thời gian xử phạt xe không chính chủ nhưng đại diện Bộ Công an khẳng định vẫn thực hiện và ra Thông tư 11 để triển khai. Theo đó, từ 15/4 xe máy, ô tô mua bán không sang tên đổi chủ sẽ bị xử phạt.
Chiều ngày 14/3, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt - C26 (Bộ Công an) cho biết: từ ngày 15/4 nếu phát hiện xe không sang tên, đổi chủ sau 30 ngày mua bán qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng lưu ý, với các phương tiện đang lưu thông trên đường CSGT và các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường không được dừng xe để kiểm tra, xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Không dừng xe không chính chủ, nhưng dừng xe vi phạm và cộng lỗi
Đó là phát biểu của đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT - CA TP.Hà Nội khi trao đổi với báo Người lao động.
Chúng tôi sẽ không dừng xe đang lưu thông trên đường để kiểm soát, xử lý hành vi chưa sang tên đổi chủ. Nhưng nếu vi phạm Luật Giao thông, chúng tôi sẽ dừng xe và sẽ cộng lỗi để phạt nếu xe đó chưa sang tên chính chủ.
Giang Quyết (tổng hợp)