Bị tước phù hiệu, xe hợp đồng vẫn gom khách, chở quá tải
Trong vai hành khách đón xe từ Tp.HCM về Bình Định cao điểm trước Tết, ngày 9/1, PV liên hệ qua số tổng đài đặt vé của nhà xe Tân Tiến (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Dù là xe hợp đồng, nhưng nữ nhân viên trực phòng vé thản nhiên chốt khách lẻ vào ngày 21/1/2025 (23 tháng Chạp). Chị này thông báo, giá vé 1,3 triệu/khách, cọc trước 600.000 đồng để giữ chỗ, còn lại thanh toán trên xe.
"Xe xuất phát vào lúc 2h chiều, đón ở bến Long K (QL 13), Tp.HCM. Trước khi xe xuất bến, nhà xe thông báo trước 5-7 tiếng", nữ nhân viên thông tin khi PV ngỏ ý đón ở địa điểm khác.
Vấn nạn xe "trá hình", xe cố định "chạy chui" dịp Tết.
Đúng hẹn, PV có mặt tại bến xe Long K vào lúc 12h ngày 22/1. Dễ thấy đây là bãi đáp tập kết hàng loạt xe chở khách chẳng khác gì bến xe tạm được bao quanh bởi hàng rào mái tôn, không có biển hiệu, bên ngoài tấm tôn lớn quây kín cửa có xịt sơn đen dòng chữ "LONG K". Chừng 30 phút sau, cổng tôn của bãi xe này mở ra, nhiều xe khách đang tập trung ở đây để đón khách và đưa hàng hóa lên xe.
PV lên xe Tân Tiến – biển số 50F-02802 gắn phù hiệu "xe hợp đồng" của HTX Dịch vụ du lịch Đức Linh. Đây là xe 24 phòng, theo quy định chỉ chở 1 khách/phòng, nhưng ngay từ điểm xuất phát đã kín phòng, thậm chí có 4 phòng có 2 người nằm chung; ngoài ra nhà xe còn nhận khách nằm ở vị trí đường luồng.
Khoảng 13h40 cùng ngày (21/1), khi xe chuẩn bị xuất bến, nhân viên nhà xe Tân Tiến xuống từng phòng lấy thông tin hành khách để điền vô bảng hợp đồng hợp thức hóa các điều kiện của loại xe phù hiệu này. Không quá khó để nhận thấy đây hầu hết là các khách lẻ được nhà xe "gom về" chạy trá hình chẳng khác xe tuyến cố định.
Cứ thế, xe hợp đồng 50F-02802 rời bãi Long K di chuyển về theo các tuyến quốc lộ đi qua các tỉnh thành… mà không bị kiểm tra.
Xe tới QL56 tỉnh Đồng Nai, nhân viên nhà xe đọc số điện thoại, thu đủ phần tiền vé còn lại. Đối với khách nằm một mình, số tiền vé phải thanh toán 1.300.000 đồng/người/phòng; khách lựa chọn ăn cơm đóng thêm 50.000 đồng/người; đối với phòng nằm ghép 2 người, giá vé là 1.000.000 đồng/người; khách mua nằm ở đường luồng giá vé 800.000 đồng. Điều này minh chứng chẳng có một hợp đồng vận chuyển chung nào cho hành khách trên xe, mà chỉ là gom khách lẻ núp bóng xe phù hiệu hợp đồng.
Khi PV hỏi xin vé xuất hóa đơn, nhân viên nhà xe cho biết không có hóa đơn rồi đưa một xấp 4 tờ vé khống để khách "điền số tiền bao nhiêu cũng được". Không chỉ vi phạm quy định xe hợp đồng mà nguy cơ thất thu thuế phí từ loại xe này luôn thường trực.
Qua tìm hiểu hầu hết khách hàng trên xe đều xuất phát từ Tp.HCM về tới các xã Cát Minh, Cát Khánh, Cát Hưng… thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Nhiều hành khách cho biết giá vé tết năm nay cao, giá ngày thường xe Tân Tiến từ Tp.HCM tới Phù Cát là 400.000 đồng/người.
Khoảng 22h20 ngày 22/1, khi xe Tân Tiến 50F-02802 tới địa phận xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, bị tổ TTKS thuộc Phòng CSGT- Công an tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, phát hiện xe ô tô khách này có loạt lỗi vi phạm. Nhà xe chở dư 5 khách so với quy định (31 người/26 chỗ); điều khiển vận chuyển hành khách theo hợp đồng bán vé cho từng hành khách đi xe; nhà xe giao xe cho tài xế Nguyễn Ngọc Quyền (SN 1974), quê ở Đập Đá, An Nhơn (Bình Định) chở hành khách không có phù hiệu theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hoà, với 3 lỗi vi phạm này, cơ quan chức năng lập biên bản xử lý chủ xe và tài xế với tổng số tiền phạt là 73 triệu đồng. Tuy nhiên hành vi "nhờn luật", bị tước phù hiệu hợp đồng nhưng vẫn cho xe chạy, gom khách lẻ, chở quá tải của nhà xe này khiến dư luận lo ngại về vấn nạn trá hình này.
Không riêng xe hợp đồng Tân Tiến, ngày 10/1,PV trong vai khách đón xe từ TP.Hồ Chí Minh về TP.Đà Nẵng cũng được nhân viên nhà xe "hợp đồng" Đình Nhân chốt vé lẻ vào ngày 23/1 (tức 24 tháng Chạp) với giá 1,6 triệu đồng/vé. Nhà xe yêu cầu khách hàng đặt cọc trước 800.000 đồng. Số tiền còn lại sẽ được thanh toán khi hành khách lên xe xuất bến. Sau khi đặt cọc, PV được nhà xe chuyển "phiếu đặt chỗ xe Tết 2025" qua Zalo, trên phiếu ghi rõ địa chỉ văn phòng tại 306 A Hồng Lạc, phường 11, quận Tân Bình, Tp.HCM.
Tuy nhiên, nhà xe thông báo, khách có thể đến địa chỉ trên hoặc điểm thứ hai là tại nơi xe đậu 39/4 QL1A, quận 12, Tp.HCM để lên xe.
Đúng hẹn, ngày 23/1, PV có mặt tại địa chỉ 306A Hồng Lạc chẳng khác một kho hàng tạm thời, không có biển hiệu và cùng nhiều hành khách khác được yêu cầu lên xe trung chuyển để di chuyển đến nơi đỗ xe, tại địa chỉ 39/4 QL1A, quận 12, Tp.HCM trước khi lên xe Đình Nhân (Công ty TNHH MTV Du lịch Đình Nhân) mang biển kiểm soát 43F-004.50, với dòng chữ "xe hợp đồng" dán ở phía trước. Điều lạ, nhân viên yêu cầu chỉ thu tiền mặt và khó chịu khi hành khách chuyển khoản để thanh toán số tiền vé còn lại. Khi PV hỏi xin vé, phiếu đặt chỗ hoặc biên nhận bằng giấy để làm chứng từ thanh toán thì nhân viên nhà xe từ chối.
Thay vào đó, họ đề nghị khách hàng vào lúc 8h sáng 24/1, đến trụ sở văn phòng 166 Điện Biên Phủ, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Tp.Đà Nẵng để xin biên lai đầy đủ tiền đã đóng. Không quá khó để nhận diện vi phạm của xe trá hình và những bản hợp đồng đối phó của nhà xe, tuy nhiên suốt hành trình từ Tp.Hồ Chí Minh về Đà Nẵng, nhà xe Đình Nhân vẫn thông tuyến đều đặn.
Xe tuyến cố định "lơ bến, chạy dù"...
Không riêng xe phù hiệu hợp đồng "trá hình", cao điểm Tết nhiều xe tuyến cố định cũng bất chấp quy định để bỏ bến, chạy dù, quay tua.
18h46 ngày 22/1, PV của Người Đưa Tin trong vai hành khách lên xe phù hiệu tuyến cố định Hoàng Huy biển số 50H-63832 - loại 34 giường. Theo thông tin cấp duyệt, xe khách này chạy tuyến Bến xe Quảng Ngãi đến Bến xe Ngã tư Ga nhưng lại đón khách từ bãi xe Long K (QL13, Tp.HCM). Lúc này, khu vực xung quanh đã có hàng chục hành khách chực chờ lên xe. Các nhân viên trên xe bắt đầu đổ xuống bốc hàng hóa lên thùng xe một cách rầm rộ.
Chiếc xe nhanh chóng di chuyển ra hướng đường Vĩnh Lộc rồi đón thêm 2 phụ nữ lớn tuổi, bố trí nằm ở giữa lối đi trên xe. Đón xong, chiếc xe khách trực chỉ về hướng QL1 rồi chạy về hướng cầu Đồng Nai. Đến khu vực xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, chiếc xe khách tấp vào đón thêm 4 hành khách rồi nằm trên các giường trống còn lại. Riêng 2 phụ nữ trung tuổi lên xe tại đường Vĩnh Lộc vẫn tiếp tục nằm tại lối đi giữa xe.
Khi xe đến địa phận xã Vĩnh Lương, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, tổ TTKS thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, phát hiện tài xế tên Phạm Thanh Đạo (SN 1984, quê tỉnh Sơn La) trình lệnh vận chuyển dùng cho xe vận chuyển hành khách tuyến cố định vào 6h sáng ngày 22/1, xuất bến tại Bến xe Quảng Ngãi nhưng không thể hiện bến xe đến. Thậm chí, chiếc xe khách đã quay đầu trở lại Quảng Ngãi cũng không có con dấu của bến xe lượt về.
Nam tài xế cho biết, do đường đông, kẹt xe, có nhiều hành khách chờ đợi nên đã "quên" không vào bến mà chạy thẳng. Người này cũng cho hay: "Việc này là do phụ xe phụ trách, việc của lái xe là tập trung lái xe. Còn về lệnh xuất bến thì do phụ xe và nhà xe thực hiện".
CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế Đạo về hành vi điều khiển xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định không có xác nhận của bến xe nơi đi. Đồng thời, CSGT cũng lập biên bản tạm giữ GPLX của nam tài xế này.
Tương tự, 18h ngày 23/1, PV trong vai hành khách được nhà xe Tài Phát hẹn có mặt tại bãi đậu đỗ nhà xe Thành Công để lên xe biển số 77H-064.00. Trong khi đó, xe này được cấp phù hiệu tuyến cố định chạy tuyến huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương – thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định và ngược lại.
Sau khi xe khởi hành, nhân viên nhà xe đến từng buồng xác nhận thông tin hành khách đặt vé như số điện thoại, tên người đặt vé và biên nhận đặt cọc vé xe. Lúc này dọc tuyến đường QL1A, nhà xe bắt đầu đón khách dọc đường và vận chuyển hàng hóa lên xe. Khi xe đến địa phận, tỉnh Đồng Nai, nhân viên nhà xe bắt đầu thu tiền của các hành khách trên xe. Nhân viên nhà xe xác nhận lại thông tin khách hàng, số tiền đã cọc và tiến hành thu đủ số tiền còn lại bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt.
Đáng chú ý, tại thời điểm này, có một hành khách nam phải nằm ở đường luồng của xe để nhường chỗ cho hành khách khác vì không trả đủ số tiền tương ứng để được hưởng dịch vụ nằm buồng. Nhân viên nhà xe cho biết, giá vé để hưởng dịch vụ nằm buồng là 1.600.000 đồng, vì là ngày Tết nên giá vé có thay đổi so với ngày thường.
Đến 4h30, ngày 24/1, tại km 1318 QL1A, theo hướng Nam – Bắc, thuộc địa phận huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, tổ công tác thuộc Trạm cảnh sát giao thông Tuy An, Phòng Cảnh sát giao thông Phú Yên thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, dừng xe khách Tài Phát mang biển số 77H-064.00 loại 26 phòng do tài xế Nguyễn Đình Sự (SN1990, trú tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) điều khiển, để kiểm tra.
Tại đây, tổ tuần tra làm rõ, lập biên bản vi phạm hành chính chở quá số người quy định được phép chở của phương tiện (29/26 người); vận chuyển hành khách theo tuyến cố định khi không có lệnh vận chuyển; thực hiện hành vi vận chuyển hành khách theo tuyến cố định (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương – thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300km. Cơ quan chức năng đã tạm giữ một giấy phép lái xe hạng E của tài xế, tạm giữ giấy chứng nhận kiểm định ATGT của xe 77H – 064.00.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nhóm Phóng viên