Các nhà sản xuất xe điện (EV) của Trung Quốc đã vượt qua nhiều đối thủ nước ngoài để giành vị trí dẫn đầu về doanh số bán hàng tại quê nhà. Giờ đây, họ đang nỗ lực mở rộng thị trường sang châu Âu.
Theo công ty tư vấn ô tô Inovev, 8% số xe điện mới được bán ở châu Âu trong năm nay được sản xuất bởi các thương hiệu Trung Quốc, tăng từ 6% vào năm ngoái và 4% vào năm 2021.
Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Theo một nghiên cứu của dịch vụ tài chính quốc tế Allianz (Đức), có ít nhất 11 mẫu xe điện mới do Trung Quốc sản xuất sẽ ra mắt tại châu Âu vào năm 2025.
Gian nan cuộc chiến giá cả
Sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu EV Trung Quốc khiến các hãng xe phương Tây lo lắng. Hồi tháng 7, ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của Stellantis (chủ sở hữu những thương hiệu xe sang nổi tiếng như Peugeot hay Fiat) đã cảnh báo về một “cuộc tấn công” của các mẫu xe điện giá rẻ Trung Quốc vào châu Âu.
Tuy nhiên, các hãng xe ở châu lục này cũng đã tung ra hàng loạt mẫu EV của riêng mình, đồng thời cắt giảm chi phí sản xuất cũng như giá thành để cạnh tranh với các “tay chơi” từ quốc gia châu Á.
Hãng Renault của Pháp cho biết, họ đang tính cắt giảm tới 40% chi phí sản xuất các mẫu xe điện. Theo CEO Renault Luca de Meo, chi phí sản xuất của tập đoàn sẽ bắt đầu giảm đáng kể từ nửa cuối năm nay nhờ chi phí nguyên vật liệu giảm.
Nỗ lực của các quốc gia châu Âu đã đặt ra một thách thức cho các hãng EV Trung Quốc, khi họ coi giá cả là “quân át chủ bài”.
Theo các nhà nghiên cứu tại Jato Dynamics, giá trung bình của một chiếc xe điện ở Trung Quốc là dưới 32.000 Euro (830 triệu đồng) trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn phân nửa so với mức giá khoảng 56.000 Euro (1,45 tỷ đồng) ở châu Âu.
Tuy nhiên, khi sang đến châu Âu, các thương hiệu Trung Quốc khó có thể bán EV với giá rẻ như ở quê nhà.
Ông Spiros Fotinos, Giám đốc điều hành của thương hiệu EV Trung Quốc Zeekr tại châu Âu cho biết, các hãng xe Trung Quốc sẽ phải bỏ thêm nhiều chi phí hơn vào quá trình logistics, nộp thuế bán hàng, thuế nhập khẩu và xin cấp chứng nhận châu Âu.
MG - thương hiệu Trung Quốc bán chạy nhất châu Âu cho biết, thách thức lớn nhất của họ là đưa ô tô từ Trung Quốc đến các địa điểm phân phối ở châu Âu vì họ phải đi qua nhiều cảng biển với thời gian giao hàng dài ngày.
Nhu cầu khác biệt của khách hàng châu Âu, chẳng hạn như dung lượng pin lớn hơn để phục vụ các chuyến đi dài, cũng có thể làm tăng thêm chi phí, ông Alexander Klose, giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài của công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc Aiways cho biết.
Nỗ lực chiếm niềm tin người tiêu dùng
Trong khi các thương hiệu như MG đã trở nên quen thuộc ở châu Âu, những tên tuổi khác như Xpeng hay Nio vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng ở thị trường này.
Các cuộc khảo sát cho thấy, hầu hết những người mua EV tiềm năng ở châu Âu đều không nhận ra các thương hiệu Trung Quốc. Nếu họ có nhận ra, họ cũng lưỡng lự không muốn mua xe từ quốc gia này. Đây là điều dễ hiểu, bởi các hãng xe từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải mất hàng thập kỷ để giành được lòng tin và đáp ứng thị hiếu của khách hàng châu Âu.
Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của YouGov, chỉ có 14% trong số 1.629 người tiêu dùng Đức biết đến BYD, nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới sau Tesla; 17% từng nghe nói về thương hiệu cao cấp Nio; 10% biết đến Lynk & Co của Geely; và 8% biết về XPeng.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy, 95% người tiêu dùng biết đến Tesla. Khi được hỏi liệu họ có nghĩ đến việc mua thêm một chiếc xe của hãng này, 10% trả lời có. Trong khi đó, con số này chỉ chiếm 1% khi nói đến các thương hiệu Trung Quốc.
Một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nỗ lực giành xếp hạng an toàn năm sao theo tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời đáp ứng các yêu cầu pháp lý để xóa bỏ tâm lý e ngại của khách hàng khu vực này.
Ông Fotinos cho biết, Zeekr sẽ tìm cách chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thông qua các buổi lái thử và phòng trưng bày, nơi họ có thể trực tiếp đánh giá chất lượng xe điện của hãng.
“Sau khi tiếp xúc với sản phẩm của chúng tôi, họ sẽ nhận ra rằng sản phẩm của chúng tôi có chất lượng và thông số kỹ thuật vượt trội hơn nhiều so với một sản phẩm tương đương của châu Âu mà họ từng sử dụng”, ông Fotinos khẳng định.
Hãng ô tô nhà nước Trung Quốc GAC (hãng xe điện lớn thứ ba Trung Quốc), đã mở một văn phòng thiết kế ở Milan (Italy) để nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trước khi chính thức bán hàng.
“Cách duy nhất để vượt qua định kiến là chấp nhận sự cạnh tranh”, ông Klose từ hãng EV Aiways cho biết.
Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Asia Financial)