Bắt khách lẻ dọc đường
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tăng cao, nhiều hãng xe hợp đồng du lịch trá hình trên địa bàn TP Huế hoạt động ngày càng rầm rộ, công khai. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại tỏ ra bất lực đối với việc xử lý những doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu núp bóng này.
Ngày 15/1, PV điện thoại vào đường dây nóng của hãng xe Hưng Thành ở Huế (Chi nhánh Công ty TNHH Hưng Thành) để đặt vé xe đi Nghệ An, điểm xuất phát từ Quảng Trị.
Qua điện thoại, PV yêu cầu được đặt 1 vé và đón xe ở QL 1A đoạn qua huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Nhân viên tổng đài cho biết, sẽ có xe giường nằm đến đón và giá vé là 230.000 đồng/người.
Khoảng 18h20 phút cùng ngày, PV được chiếc xe giường nằm có đề ngoài dòng chữ Hưng Thành Travel mang BKS: 29B- 105.58 đón tại cầu Trúc Khê, đoạn QL1A đi qua xã Cam An, huyện Cam Lộ.
Sau khi được phụ xe dắt xuống chỗ ngồi, đi được khoảng 20 phút, chiếc xe này dừng ăn cơm tại quán Cơm Quê, thuộc xã Gio Quang, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Khoảng 30 phút sau, chiếc xe tiếp tục hành trình, lúc này một phụ xe hỏi to: “Anh xuống Nghệ An là xuống đoạn nào?”. Tiếp đó, người này thu tiền. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cấp vé để “về cơ quan thanh toán” thì người này ngập ngừng, tỏ ra khó chịu.
Một lúc sau, khi có một hành khách khác cũng xin vé thì phụ xe mới miễn cưỡng đưa cho PV và người khách kia một tấm phiếu đặt chỗ.
Ngồi trên xe, qua trò chuyện, PV được biết, đa phần hành khách trên chiếc xe này đều tự liên hệ đặt chỗ, không hợp đồng dưới dạng khách du lịch.
Một khách nữ lên xe cùng PV tại cầu Trúc Khê cho biết: “Tôi đặt xe qua điện thoại từ lúc 17h30 chiều nay để đi ra cầu Quán Hàu (Quảng Bình) và giá vé nhà xe yêu cầu là 100.000 đồng”.
Một hành khách nam khác chia sẻ: “Tôi thỉnh thoảng đi hãng xe này ra Hà Nội, giá vé cả đi và về là 500.000 đồng”. Người này cũng tiết lộ, từ ngày 16/1, nhà xe này sẽ tăng giá vé các tuyến thêm 100.000/người.
Trong suốt hành trình, PV cũng ghi nhận, phụ xe còn đón trả thêm nhiều hành khách ở dọc đường. Tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), chiếc xe này trả 4 khách, sau đó đón thêm 10 khách khách…Riêng PV, được nhà xe trả ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).
Trong khi đó, theo quy định, những xe open tour, chạy hợp đồng không được bán vé và không bắt khách lẻ. Mỗi khi có hợp đồng, chủ xe phải báo cáo lộ trình chạy, danh sách đoàn đến Phòng Vận tải (Sở Giao thông - Vận tải).
Không chỉ đón khách lẻ, các hãng xe núp bóng hợp đồng, open tour cũng ngang nhiên trả khách và hàng hóa sai quy định, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Trước đó, trong sáng ngày 15/1, PV bám theo một chiếc xe nhãn ngoài đề chữ “Travel”, mang BKS: 29B - 600.43 chạy vào thành phố Huế. Sau khi đón trả một số khách ở bến xe Nguyễn Hoàng, nằm trên đường Lê Duẩn, chiếc xe tiếp tục len lỏi giữa đường phố, đông dòng người qua lại hướng về đường Dương Văn An.
Tại đây, chiếc xe này ngang nhiên đậu đỗ trước một quầy bán vé xe và bật cốp bốc dỡ hàng hóa. Chiếc xe chiếm 1/3 lòng đường, bất kể thời điểm ấy lưu lượng người phượng tiện qua lại khá đông.
Sau khi trả khách và hàng hóa, tài xế cho xe về đậu đỗ tại đường Trương Gia Mô (TP Huế), chờ đến chiều tiếp tục hành trình đón khách.
“Giết chết” xe chạy tuyến cố định
Việc các xe khách núp bóng hợp đồng đón trả khách không đúng nơi quy định không chỉ gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn làm thất thoát tiền thuế nhà nước, gây ra sự bất bình đẳng với các hãng xe chạy tuyến cố định.
Chủ của một hãng xe chạy tuyến cố định ở Thừa Thiên - Huế bức xúc chia sẻ: Việc các nhà xe núp bóng xe hợp đồng đón trả khách trong thành phố, không ai kiểm soát lại không phải tốn chi phí (phí xuất bến, thuế VAT trên mỗi vé…), đã và đang gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh và dần “giết chết” những xe hoạt động trong bến.
Người này cho biết, xe chạy tuyến cố định phải nộp lệ phí bến 300.000 đồng/chuyến, tiền thuê quầy bán vé 5 triệu đồng/tháng, tiền thuế VAT 10% trên mỗi vé xe bán ra. Với khoảng 5 đầu xe, tính sơ sơ các chi phí mỗi tháng tốn vài chục triệu đồng.
Trong khi đó, với các xe khách núp bóng hợp đồng du lịch do không ai quản lý nên nên không phải đóng các khoản như doanh nghiệp hoạt động trong bến. Chính vì vậy, ngày thường xe khách núp bóng xe du lịch bán vé thấp hơn xe trong bến 20-30%, khiến doanh nghiệp trong bến không thể cạnh tranh.
Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Xí nghiệp bến xe phía Bắc thuộc Công ty Cổ phần Bến xe Huế cho biết, việc các xe khách núp bóng xe hợp đồng du lịch ngang nhiên hoạt động, thực tế đã tồn tại từ lâu. Vấn đề này, không chỉ là nỗi bức xúc của các nhà xe chạy tuyến cố định đi Hà Nội mà còn các tuyến đi Nghệ An, các tỉnh khác ở phía Bắc cũng lên tiếng. Việc xe chạy theo hình thức như vậy khiến khách tại bến không có và giảm một cách rõ rệt, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe khác.
Trước câu hỏi, chẳng hạn trường hợp không may những chiếc xe khách trá hình như vậy gặp nạn thì hành khách có được đảm bảo về quyền lợi như bảo hiểm không, ông Hoài cho hay: Loại xe này không phát hành vé nên không có bảo hiểm, vì vậy khi có sự cố thì quyền lợi của hành khách không được đảm bảo.
“Điều nguy hiểm hơn là các loại xe trên không bảo đảm an toàn cho hành khách vì không được kiểm tra theo quy trình trước khi rời bến”, ông Hoài chia sẻ thêm.
Lê Kông