Xe “lách luật”
Để có thể hoạt động “chui” trong bến, các lái xe đã tìm cách móc nối với bảo vệ cổng xe vào và bảo vệ cổng xe ra, dù phải chấp nhận phí vào bến trả khách cao hơn so với quy định. Hiện tượng này đang diễn ra tại một số bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội.
Việc bùng phát xe chở khách theo hợp đồng và xe chở khách du lịch nhưng hoạt động như xe khách tuyến cố định, gây mất trật tự và an toàn giao thông. Đồng thời thất thoát tiền thuế của Nhà nước. Đây đang là vấn đề nhức nhối. Không chỉ lách luật theo hình thức hợp đồng, các loại xe này còn móc nối với bảo vệ cổng bến xe để được vào bến mà không cần lốt.
Theo phản ánh mà PV báo Người Đưa Tin nhận được, thời gian gần đây, một số xe chạy tuyến Quảng Ninh – Hà Nội, Hải Phòng – Hà Nội dù không có lốt vào bến xe Gia Lâm nhưng đã tìm cách để “lách luật”. Hoạt động “lách luật” này chủ yếu diễn ra với loại xe 16 chỗ, xe chạy theo hình thức hợp đồng...
Trước những tin tức phản ánh, để tìm hiểu thực hư, nhóm PV đã trực tiếp đi trên các tuyến xe này để ghi nhận thực tế. Từ điểm xuất phát ở huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), xe mang BKS 14B- 024.xx bắt khách và di chuyển về Hà Nội. Nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng cũng như việc bắt khách dọc đường, lái xe luôn chủ động việc thay đổi biển tuyến theo từng đoạn đường.
Tại đoạn đường thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương, chiếc xe này bị lực lượng CSGT kiểm tra do xe chạy sai làn. Ngay khi dừng xe, lái xe và phụ xe đã nhắc hành khách nếu công an có hỏi thì trả lời đều là người nhà đang thuê xe của tài xế H. đi lên Hà Nội. Giải quyết xong những vi phạm, chiếc xe này lại tiếp tục hành trình về bến xe Gia Lâm.
Điều đáng nói, khi chạy đến địa phận Hà Nội, lái xe liền ngang nhiên đặt biển ghi tuyến Hà Nội - Quảng Ninh ngay phía đầu xe. Tất cả hành khách đi từ điểm khởi hành ở Vân Đồn (Quảng Ninh) về Hà Nội đều được nhà xe cho xuống tại địa điểm cây xăng Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội). Với chiêu trò cho xe vào cây xăng để đổ xăng, dầu, các lái xe này đã biến địa điểm đổ xăng thành “bến xe” theo ý đồ của mình.
Tình trạng này diễn ra thường xuyên trong thời gian qua và không chỉ xảy ra đối với xe 16 chỗ chạy tuyến Quảng Ninh – Hà Nội mà còn xảy ra ở các xe ở các tuyến khác.
Hoạt động như có “lốt”
Theo tiết lộ của tài xế xe BKS 14B-024.xx thì xe 16 chỗ do không có lốt nên mỗi lần vào bến họ sẽ phải mua vé tại khu vực cổng vào, cổng ra của bến xe Gia Lâm để vào trả hàng. Tuy nhiên, số tiền để được vào bến sẽ phải cao hơn so với quy định những xe hợp đồng vào bến trả đồ, trả khách.
Khi được hỏi số tiền để có thể vào bến là bao nhiêu, tài xế này cho hay, mỗi lần vào thường mất khoảng hơn 100 nghìn đồng. Vé vào là 100 nghìn đồng và đưa cho bảo vệ cổng vào, cổng ra mỗi người khoảng 20 nghìn đồng. Chỉ thông qua những khoản phí này, xe mới có thể vô tư vào bến Gia Lâm trả đồ, trả khách... Trong khi đó, theo quy định, khi xe mua vé vào bến trả đồ, họ chỉ được trả đồ, trả khách mà không được bắt khách tại bến. Thực tế ghi nhận cho thấy, sau khi đã vào được bến xe để trả đồ, trả khách thì nhà xe có thể ngang nhiên đón khách có nhu cầu. Khi ở trong bến họ sẽ không để biển tuyến xe chạy, mà phụ xe sẽ trực tiếp hô hào để mời khách lên xe.
Liên quan đến hiện tượng trên, sau nhiều ngày ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình, PV báo Người Đưa Tin cũng phát hiện một số nhà xe hoạt động trong bến theo kiểu mập mờ. Một số xe từ 9 - 16 chỗ không có lốt nhưng vẫn vào bến để trả khách, trả hàng công khai mà không hề bị các lực lượng an ninh, kiểm soát tại bến xe Mỹ Đình xử phạt, hay chặn lại, khiến cho nhiều nhà xe kinh doanh chân chính bất bình.
Bên ngoài những chiếc xe này, không được dán logo, tên nhà xe, cũng như tuyến chạy... chẳng khác gì xe gia đình. Tuy nhiên, những chiếc xe trên vẫn được đi vào trong bến từ cổng vào rồi chạy tiếp về khu vực cổng ra (cổng trả hàng), hoạt động vào khoảng 16h đến 19h các ngày trong tuần.
Trực tiếp quan sát và ghi lại hình ảnh một chiếc xe vận chuyển hàng cho thấy, có những chiếc xe 9 chỗ được chủ xe tháo hết ghế ngồi bên trong xe ra để thay đổi chức năng từ xe chở khách sang chở hàng. Trong xe chỉ để lại một chiếc ghế cho lái xe, một ghế cho lơ xe ngồi cùng hàng. Mặc dù không được cấp phép, nhưng những chiếc xe này hoạt động như được lập trình sẵn, chỉ cần đi đến khu vực gần cổng rồi dừng lại là có người đẩy xe ra phía sau đuôi xe để bốc hàng xuống. Ngoài ra, những chiếc xe 16 chỗ không phép cũng được hoạt động tương tự và ngang nhiên đi vào trong bến để đón trả khách.
Ngoài ra, tình trạng đón trả khách tùy hứng của một số hãng xe khách đang ngầm tạo nên một sự cạnh tranh không lành mạnh trong giới vận tải. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng cướp khách, giành khách, chồng lốt và đè tuyến, gây mất an toàn giao thông mà dư luận đã phản ánh.
(còn tiếp)
Nguyên Mạnh - Thế Anh