Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp ghé thăm Vườn Quốc gia (VQG) Cúc Phương, đoạn nằm trên địa bàn hành chính xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Theo thông tin người dân phản ánh, thời gian gần đây, hàng loạt những cây gỗ quý to lớn đang bị lâm tặc đốn hạ tại VQG.
Được biết, VQG Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn các tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. VQG Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Năm 1960, rừng Cúc Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng và được thành lập theo Quyết định 72/TTg ngày 7/7/1962, với diện tích 20.000 ha, đánh dấu sự ra đời khu bảo vệ đầu tiên của Việt Nam. Vườn có nhiều loài cây gỗ lớn, gỗ quý.
Tàn cơn mưa đầu hạ, chúng tôi được một số người dân địa phương dẫn vào rừng, nơi có phản ánh những cây gỗ lớn đang bị “xẻ thịt”. Sau hơn 2 giờ đồng hồ vượt qua 4km đường đất và trèo qua một quả đồi, chúng tôi mới có mặt tại thung Thưa, thuộc xã Thành Yên để bắt đầu đi vào rừng.
Con đường lên núi lởm chởm đá tai mèo, vách dựng đứng, hẹp và rất dễ trơn trượt. Sau quãng đường gian nan, chúng tôi đã lên được khu vực có những cây gỗ lớn để ghi nhận tình hình.
Trong hàng loạt những “xác” gỗ quý, ông T. (người dẫn đường) chỉ cho chúng tôi 2 cây gỗ mới bị đốn hạ cách đây không lâu. Đó là một cây Mai Lái (thường gọi là cây Trai Lý, một loại gỗ thuộc nhóm II) và một cây Cán Kè có thân hình cao lớn. Đường kính của 2 cây này lên tới hơn 1m, còn nguyên vết cưa mới.
Theo kinh nghiệm của người dẫn đường, những cây gỗ này vừa bị đốn hạ chưa đầy 1 tuần. Trong đó, cây gỗ Mai Lái đã bị lâm tặc xẻ thành nhiều đoạn và hộp, còn cây Cán Kè vẫn nguyên trạng. Được biết, 2 cây gỗ này đã bị đốn hạ nhưng những kẻ phá rừng chưa kịp vận chuyển hết.
Tiếp tục men theo lối mòn đi sâu vào rừng, qua thung Thưa là đến thung Võ. Tại thung Võ, chỉ một đoạn đường ngắn, chúng tôi cũng thống kê được hơn chục cây gỗ lớn mới bị đốn hạ, trơ lại gốc, có những cây gỗ to đến 3 người ôm không suể.
Để không bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng thường không khai thác một chỗ mà tiến hành cách xa nhau, có khi hàng chục mét, thậm chí hàng trăm mét. Những khúc gỗ lớn có chiều dài 3m, đường kính trung bình từ 50cm trở lên được xếp la liệt dọc lối đi vào rừng. Dấu vết, vật dụng của các đối tượng khai thác gỗ để lại cho thấy họ mới rời khỏi đây không lâu.
Có một điều đặc biệt, lâm tặc tại đây không đốn hạ những cây cạnh lối mòn, dù cho cây đó to lớn cỡ nào. Theo lý giải của người dân, lâm tặc không cưa những cây này để tránh việc bị lộ dấu vết. Chính vì vậy, càng vào sâu trong rừng, số gỗ bị khai thác càng nhiều, thậm chí những thân cây lớn mọc trong "hang cùng" của núi đá cũng bị chặt hạ và khai thác tại chỗ.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, những đối tượng khai thác gỗ tại VQG Cúc Phương, đoạn qua xã Thành Yên chủ yếu là người dân địa phương hoặc các vùng lân cận. Các đối tượng này hoạt động theo nhóm và rất có tổ chức. Thậm chí, ngay giữa rừng nguyên sinh còn xuất hiện dấu vết vận chuyển gỗ bằng xe kéo, điều đó cho thấy sự liều lĩnh của các đối tượng khai thác gỗ trái phép.
Sau khi ra khỏi VQG Cúc Phương, chúng tôi tìm đến trạm Kiểm lâm số 12, đóng trên địa bàn thôn Thành Tân, xã Thành Yên. Tại đây, PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Kiều, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm số 12 (VQG Cúc Phương). Theo ông Kiều, trạm có 3 cán bộ nhưng hiện nay một người đang trong thời gian đi học kiểm lâm viên.
Qua cuộc trò chuyện, vị cán bộ này thú nhận từ đầu năm đến nay, tình trạng gỗ quý bị chặt phá tại khu vực rừng Cúc Phương, đoạn qua địa phận xã Thành Yên diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên do lực lượng mỏng nên việc truy quyét các đối tượng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng khai thác gỗ trái phép ngày càng tinh vi, khiến lực lượng kiểm lâm trên địa bàn không kịp trở tay.
Theo đó, trạm Kiểm lâm số 12 quản lý, bảo vệ các tiểu khu 15, 18 và 19, với tổng diện tích khoảng 15.000ha, thuộc địa phận 2 thôn Thành Trung, Thành Tân của xã Thành Yên.
“Từ đầu năm 2017, chúng tôi phát hiện một số vụ chặt phá rừng. Các đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm nhưng do lực lượng quá mỏng, khi bị phát hiện, lâm tặc lại chống trả quyết liệt nên rất khó bắt giữ. Trong tháng 4/2017, chúng tôi kiểm tra lại thì phát hiện thêm 5 đến 6 cây vừa bị đốn hạ”, ông Kiều cho biết.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách quyết liệt để ngặn chặn tình trạng “chảy máu” rừng nghiêm trọng, đã và đang xảy ra tại khu vực VQG Cúc Phương như hiện nay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Trung Nhật, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Thạch Thành cho biết: “Đơn vị hiện có 1 kiểm lâm viên phụ trách tại 4 xã, trong đó có xã Thành Yên. Hạt có nhiệm vụ phối hợp với kiểm lâm VQG và chính quyền địa phương trong công tác quản lý rừng và đất. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp lên rừng để kiểm tra, sau khi có thông tin cụ thể, hạt Kiểm lâm sẽ thông tin cho cơ quan báo chí”.
Thiện Quyền