Hồi đó ở Sài Gòn, người ta dễ dàng bắt gặp bóng dáng liêu xiêu của chiếc xe ngựa nhỏ, chất đầy trầu cau, rau cải dọc ngang đi về trên các ngả đường. Nó còn văng vẳng cả tiếng nhạc ngựa leng keng, tiếng tróc mã của người đánh xe, tiếng huyên náo của mấy bà hàng đi chợ sớm. Bây giờ, dù có tiếc, có nhớ nhung nhưng người Sài Gòn cũng đành ngậm ngùi... âm thanh ấy đã thuộc về quá khứ.
Hình ảnh chiếc xe ngựa hay còn gọi là xe thổ mộ đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Tên thổ mộ có nguồn gốc từ chữ thụ mã mà người Hoa ở Việt Nam thường đọc là thụ mạ. Họ đọc trại âm nhiều lần rồi thành thổ mộ. Người Tây gọi chiếc xe đó là Boite d`allumettes (xe hộp quẹt). Người mình gọi nó là xe thổ mộ vì cái thùng liền với cái mui cong cong giống như một cái mả đất.
Xe thổ mộ xuất hiện trong đường phố Sài Gòn và những vùng quê lân cận từ thập niên 40. Hồi đó loại xe này dùng để chở người đi lại trong vùng hay vận chuyển hàng rau cải từ những vùng quê lên Sài Gòn. Mỗi khi có việc trong vùng đi mua sắm, viếng thăm, cưới xin, người ta đều chọn phương tiện xe ngựa.
Những buổi sớm tinh mơ, người dân thành phố một thời vẫn quen chờ nghe tiếng vó ngựa lóc cóc gõ trên đường nội ô như đón chào một ngày mới. Đó là những chuyến xe chở hàng từ ngoại thành vào bán trong buổi chợ sớm. Hồi đó ở Sài Gòn có rất nhiều bến xe ngựa, chạy đủ trên các tuyến đường. Bến xe ngựa trước chợ Bến Thành rất đông xe và nhộn nhịp. Xe vào bến phải xếp tài, khi nào đủ khách (khoảng 6 - 7 người) mới lên đường.
Ngày đó, không phải ai cũng có xe hơi, xe máy dầu hay có nhiều tiền để thuê những phương tiện sang trọng nên mỗi khi có dịp đi chơi khoảng năm sáu người lại rủ nhau thuê một chiếc xe thổ mộ. Họ vừa đi vừa ngắm cảnh, mà giá cả lại phải chăng hợp với túi tiền của những tầng lớp bình dân. Tháng Chạp, tháng Giêng, từ Sài Gòn - Gia Định ngồi xe thổ mộ xuống Chợ Đệm uống chơi chơi vài chung rượu, ăn chơi mấy miếng thịt luộc với tô cháo lòng cũng có thể coi như một chuyến tất niên, một chuyến du xuân.
Đi xe ngựa thích thú nhất là được ngồi phía sau hai chân thòng xuống thoải mái, gác lên cái bửng sắt nhỏ dùng làm chỗ leo lên xe. Xe chạy chầm chậm trên những con đường gió mát từ bờ sông Sài Gòn làm dịu đi cái nắng gắt của thành phố.
Ngày nay giữa thành phố đông đúc nhộn nhịp đủ các loại xe hơi, xe gắn máy. Những chiếc xe thổ mộ ấy đã đi vào dĩ vãng. Chỉ thỉnh thoảng vào những mùa Tết Nguyên Đán, người Sài Gòn mới thấy lác đác một vài chiếc xe thổ mộ xưa cũ từ ngoại thành vào chợ lúc còn sớm tinh mơ. Những lúc ấy có người lại nhớ vềì thời xa xưa, một phương tiện đã góp phần tô đẹp thêm cho nét văn hóa của Sài Gòn.
Dẫu biết ngày nay xã hội đang phát triển một cách nhanh chóng, hiện đại, người ta có thể chọn nhiều phương tiện sang trọng hơn nhiều. Nhưng hình ảnh chiếc xe thổ mộ vẫn gắn liền với cuộc sống của con người nơi đậy. Với nhiều người nó là một phần cuộc đời với những buồn vui của quá khứ về một thứ nay chỉ còn trong hoài niệm, của mỗi người dân đất Sài thành. “Em còn nhớ hay em đã quên/ Nhớ đường dài qua cầu lại nối/ Nhớ những con sông nối bao dòng kinh/ Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng/ Nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm...”
Thế Quyết