Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP), tất cả các hành vi vi phạm nồng độ cồn trong giao thông ngoài bị xử phạt đều có thể bị tạm giữ xe.
Về chi phí trông giữ (lưu kho) được quy định tại Nghị định 138 /2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2022 về chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ như sau:
Tổ chức, cá nhân vi phạm khi đến nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ không thuộc trường hợp bị tịch thu phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.
Tổ chức, cá nhân vi phạm không phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm được giao giữ, bảo quản phương tiện theo quy định;
Cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện trong trường hợp tự tổ chức lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tổ chức được cơ quan của người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện thuê để lưu giữ, bảo quản tang vật, phương tiện được trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện trong thời gian bị tạm giữ;
Mức chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Như vậy, người vi phạm bị thu giữ xe do vi phạm nồng độ cồn có trách nhiệm chi trả chi phí lưu kho. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Theo quy định của Thông tư 85/2019/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Các khoản lệ phí trông giữ phương tiện có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố.
Ví dụ, hiện nay giá giữ xe vi phạm giao thông tại Hà Nội được quy định tại Quyết định 44/2017/QĐ-UBND, cụ thể như sau:
Mức thu xe máy, xe lam là đồng/xe/ngày đêm 8.000 đồng.
Xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện, xe xích lô/xe/ngày đêm 5.000 đồng.
Xe ô tô đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống/xe/ngày đêm 70.000 đồng.
Xe từ 10 ghế ngồi trở lên và xe tải trên 2 tấn trở lên/xe/ngày đêm 90.000 đồng.
Trong khi đó, giá giữ xe vi phạm giao thông tại Tp.HCM được quy định tại Quyết định 35/2018/QĐ-UBND, được chia thành nhóm 1 và nhóm 2.
Cụ thể, nhóm 1, mức thu với xe đạp (kể cả xe đạp điện), giá (tối đa) là 4.000 đồng/xe/lượt/ngày, 6.000 đồng/xe/lượt/đêm và 210.000 đồng/xe/lượt/tháng. Nhóm 2 là mức giá 6.000 đồng/xe/lượt/ngày, 9.000 đồng/xe/lượt/đêm và 310.000 đồng/xe/lượt/tháng.
Với xe ô tô trên 9 chỗ và xe tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn 1,5 tấn, mức thu (tối đa) 100.000 đồng/xe/4 giờ/lượt và 5.000.000 đồng/xe/tháng. Riêng xe ô tô đến 9 chỗ và xe tải có khối lượng chuyên chở từ 1,5 tấn trở xuống, giá gửi tại Quận 1, Quận 3 và Quận 5 khác với các Quận, huyện còn lại.
Minh Hoa (t/h)