Theo Cnet, nếu bạn đang sở hữu một thiết bị Android, hãy suy nghĩ ít nhất vài lần trước khi xem phim “đen” trên đó, vì những nguy cơ bị tấn công cao hơn những gì bạn nghĩ.
Việc sử dụng các nội dung “đen”, đặc biệt là khiêu dâm là một thủ thuật khá phổ biến để lôi kéo người dùng nhấp chuột vào. Cách đây không lâu, một nhóm hacker đã sử dụng các ứng dụng khiêu dâm giả mạo để tấn công hơn 1 triệu smartphone Android lấy đi số tiền trị giá 892.000 USD.
Các nhà nghiên cứu bảo mật đã thử truy cập vào những web, app có nội dung mang tính khiêu dâm để tiến hành điều tra. Kết quả cho thấy, trên máy tính để bàn, các phần mềm độc hại liên quan đến khiêu dâm nhiều gấp 300.000 lần so với trên các thiết bị di động. Nhóm cũng đã phát hiện 23 loại phần mềm độc hại được thiết kế riêng cho Android. Chúng bao gồm cả những loại mã độc như Ransomware, Trojans có thể ăn cắp tài khoản ngân hàng của bạn dễ dàng.
Google đã từ chối bình luận về điều này. Phát hiện của Kaspersky được cho là không liên quan đến các thiết bị chạy phần mềm iOS của Apple.
Phần lớn các phần mềm độc hại là “clicker” Trojans tự động mở các trang và nhấp vào quảng cáo mà người dùng không hề hay biết. Điều này sẽ khiến cho hacker kiếm được một khoản kha khá từ những lần nhấp chuột quảng cáo. Không những thế, nó sẽ khiến cho tuổi thọ pin điện thoại của nạn nhân suy giảm đáng kể và tăng mức sử dụng dữ liệu. Trong một trường hợp cụ thể, một ứng dụng phần mềm độc hại đã sử dụng hơn 100 MB dữ liệu về quảng cáo chỉ riêng một đêm.
Kaspersky Lab cho biết cũng đã phát hiện ra một số trường hợp Trojans clicker đã được tải xuống từ các trang web khiêu dâm, nhưng cũng tìm thấy nó trong các ứng dụng giả mạo và trình chơi video.
“Điều đáng sợ nhất về ransomware di động là chúng có thể thay đổi (hoặc thiết lập) mã PIN của thiết bị một cách ngẫu nhiên, vì vậy ngay cả khi người dùng có thể xóa mã độc, thiết bị này vẫn bị khóa”, Kaspersky cho biết thêm. Hầu hết các ransomware được phát hiện từ nguồn app không rõ ràng có nội dung "mát mẻ".
Các ứng dụng có nội dung "người lớn" không được phép xuất hiện trong CH Play của Google. “Gã khổng lồ” về tìm kiếm cho biết, họ đã xóa tới 700.000 ứng dụng vi phạm chính sách vào năm 2017. Tuy nhiên, Kaspersky cho biết, nhiều ứng dụng độc hại có thể đến từ các bên thứ ba và lại được ứng dụng trong Google đề xuất.
Kaspersky cũng khuyến cáo người dùng chỉ sử dụng các trang web thực sự tin cậy khi muốn truy cập những nội dung chỉ dành cho người lớn.