Tiếp tục phiên họp thứ 30, sáng 22/2 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân.
Trình bày tờ trình về việc đề nghị giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong thời gian 10 năm trở lại đây, khối lượng công việc của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp tăng 90%; nhất là án hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại…
Tính chất tội phạm, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, phức tạp nhất là những tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; tội phạm công nghệ cao...
Đồng thời, theo quy định mới của các đạo luật tư pháp, ngành Kiểm sát được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới mà khi thực hiện công chức cần phải có chức danh tư pháp như: Kiểm sát viên phải trực tiếp cùng Điều tra viên tiến hành 7 hoạt động tố tụng...
Do đó, kiểm sát viên phải thực hiện thêm nhiều trình tự thủ tục, khi giải quyết nhiều vụ án, vụ việc phức tạp không có nhiều thời gian để thực hiện các hoạt động khác.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho biết, theo quy định của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện Kiểm sát nhân dân thành lập thêm Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp các vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp cao.
Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung số lượng Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.
Báo cáo thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và thấy rằng, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo thực hiện cơ bản nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với chủ trương bổ sung số lượng Kiểm sát viên của kiểm sát nhân dân để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.