Chiều ngày 11/10 tiếp tục phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho Tp. Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế.
Trình bày báo cáo tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là cần thiết vì những lý do sau:
Một là, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và dân số đứng thứ tư với hơn 3,4 triệu người, hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội để phát triển, nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ kết nối hai miền Bắc Nam, trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7 thông ra biển Đông qua cảng Cửa Lò. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Nghệ An có đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, đường biển và đường thủy nội địa…
Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn như tăng trưởng kinh tế chưa cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, thu ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu về cân đối ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn rất hạn chế; một số dự án hạ tầng trọng điểm triển khai chậm so với dự kiến do thiếu nguồn lực. Đặc biệt, mục tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị đã đề ra đến nay cơ bản vẫn chưa thực hiện được.
Hai là, tại Nghị quyết số 26 và Thông báo số 55 Bộ Chính trị đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và các năm tiếp theo là “Phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại” và một trong những nhiệm vụ, giải pháp là “bổ sung cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích mạnh mẽ các thành phần tham gia đầu tư, góp vốn xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ”.
Tiếp đó, tại văn bản số 1857 ngày 17/9/ 2021, Bộ Chính trị đã có ý kiến: “Đồng ý về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An”.
Ba là, thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 và Thông báo số 55 trong thời gian qua cho thấy, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì tỉnh Nghệ An rất khó thực hiện được các bước đột phá để phát triển nhanh, bền vững và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra. Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị như: Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Đà Nẵng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù và bước đầu phát huy hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 26 và Thông báo số 55, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra”.
Nội dung của dự thảo Nghị quyết đưa ra các chính sách đặc thù gồm: mức dư nợ vay; bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh Nghệ An để đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương; định mức phân bổ chi thường xuyên; quản lý đất đai; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị; về quản lý, sử dụng rừng.
Thanh Lam