Nhiều người lấy làm lạ, chẳng lẽ có chuyện mang đạo đức ra đo lường chất lượng giáo viên, hay chấp nhận một nhà giáo kém đạo đức?
Mới đây, bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên. Thông tư không chỉ khiến nhiều giáo viên băn khoăn về các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện nâng hạng, tụt hạng mà còn gây bất ngờ khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp.
Không chỉ quy định trong luật Giáo dục, mà năm 2008, bộ GD&ĐT đã từng có Quyết định số 16 năm 2008 “Quy định về đạo đức nhà giáo”. Trong đó, Điều 4 quy định về đạo đức nghề nghiệp và các quy định khác (phẩm chất chính trị, tác phong...) là những quy định chung và bắt buộc giáo viên phải thực hiện. Vậy, việc đưa những tiêu chuẩn này vào chùm thông tư mới như vậy, phải chăng là dư thừa?
Chính vì vậy, không ít người cảm thấy khó hiểu khi đọc đến phần tiêu chuẩn đạo đức ở từng hạng khác nhau, bởi đáng lẽ, đã là tiêu chuẩn đạo đức cho giáo viên thì ở bất cứ hạng nào cũng có phải cùng tiêu chí, không phân biệt. “Giống như đạo đức xã hội là chuẩn mực chung, phải là giá trị phổ quát cho mọi người. Do đó, không thể tách riêng ra từng hạng, vì hạng nào thì cũng là đối tượng giáo viên và phải thực hiện chung các nguyên tắc về chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp” - một nhà giáo chia sẻ.
Đạo đức không phải là một tiêu chí có thể định lượng để xếp hạng I, II, III, mà đạo đức là thước đo giá trị về tư cách, nhân phẩm của con người. Giống như, chẳng có ai đánh giá một đứa trẻ ngoan ít, ngoan bình thường với ngoan nhiều…
Nhiều giáo viên cho rằng, có thể xếp hạng từng cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp khác nhau theo các tiêu chí về số lượng chứng chỉ, tên văn bằng đào tạo, trình độ chuyên môn, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, thành tích và thâm niên công tác..., nhưng đạo đức nhà giáo thì không nên phân loại để xếp hạng thành I, II, III; không nên “mặc định” đạo đức nhà giáo theo kiểu hạng I cao hơn hạng II…
Thật vậy, đã bước chân vào sư phạm, yếu tố tiên quyết để quyết định “tầm vóc” nhà giáo, chính là từ đạo đức. Đã là giáo viên, tất phải có phẩm chất tốt, điều chỉnh hành vi phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, phải chú trọng trau mình mà làm gương cho học sinh.Ngành giáo dục đã xác định, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo.
Vậy, tại sao phải dày công tìm cách định lượng về đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà giáo để đánh giá? Chẳng lẽ, sẽ có chỗ cho những giáo viên yếu hơn về đạo đức so với các giáo viên khác, hay nói cách khác, là chấp nhận có những giáo viên kém đạo đức hay sao?
Chưa kể, khi triển khai đánh giá thêm tiêu chí này, nếu không có phương pháp đúng cách thì lại tạo ra một kẽ hở lớn trong tiêu cực và tham nhũng, xuất phát các nguyên nhân sau: Trước hết, tư cách đạo đức và năng lực của người đánh giá đã đủ tiêu chuẩn là người “cầm cân nảy mực” hay chưa? Nếu lợi dụng quyền hạn để tiêu cực thì sẽ gây họa cho nhiều người. Bên cạnh đó, nếu quán triệt chưa đầy đủ để cho người bị đánh giá hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng thì dễ nảy sinh tiêu cực “chạy chọt” hồ sơ chứng chỉ và mua chuộc. Không có quy trình chuẩn trong quá trình thực hiện thì có thể gây mất thời gian, tốn kém và không hiệu quả.
Quả là lợi bất cập hại!
Chỉ nguyên hàng tá yêu cầu về các chứng chỉ khác đã đủ khiến giáo viên “chạy theo” từng ngày, từng giờ, nếu bộ GD&ĐT cứ chốc chốc lại phát kiến ra những tiêu chí mới để tiếp tục đặt gánh lên đôi vai giáo viên, chỉ càng khiến công tác quản lý thêm rối, chất lượng ngày càng ảo.
Tôi rất hy vọng, những quy định “dở khóc dở cười” tương tự sẽ không tiếp tục làm khổ ngành sư phạm, để giáo dục có một bầu trời trong xanh mà phát triển, vươn tầm.
Hạ Trúc
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!