Theo truy tố của VKS, với tư cách là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn (công ty Thiên Sơn), bị cáo Đỗ Anh Tuấn là người ký hợp đồng liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo phục vụ điều trị bệnh nhân suy thận với BVĐK tỉnh Hòa Bình, có ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm từ việc liên kết thực hiện dịch vụ này.
Đồng thời, những lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO trước đó đều do Đỗ Anh Tuấn ký hợp đồng và thanh lý hợp đồng với Trương Quý Dương.
Đỗ Anh Tuấn là người ký biên bản thương thảo hợp đồng và Hợp đồng số 315 với BVĐK tỉnh Hòa Bình; là người yêu cầu Bùi Mạnh Quốc tiến hành kiểm tra hệ thống RO số 2 và báo giá cho công ty Thiên Sơn.
Sau khi ký kết HĐ 315, Đỗ Anh Tuấn chỉ đạo nhân viên gọi và yêu cầu Quốc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2. Tuấn đã không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, tự liên hệ với Trần Văn Sơn để thực hiện việc sửa chữa theo báo giá.
Đỗ Anh Tuấn đã không nhắc nhở, cảnh báo đối với Quốc về việc bảo đảm chất lượng cho nguồn nước sau sửa chữa, không đưa hệ thống RO số 2 vào vận hành khi chưa có kết quả xét nghiệm nước.
VKS truy tố Đỗ Anh Tuấn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2, Điều 285, BLHS 1999.
Là người tiếp theo bị yêu cầu đứng lên trước bục khai báo, bị cáo Đỗ Anh Tuấn nói phản đối kết luận của cáo trạng và cho rằng mình không phải chủ thể của tội phạm này.
Theo bị cáo Tuấn khai, vào tháng 12/2009, công ty Thiên Sơn ký kết hợp đồng cho BVĐK tỉnh Hòa Bình thuê máy chạy thận nhân tạo. Hợp đồng cho bệnh viện thuê tổng số 13 máy và hiện tại công ty Thiên Sơn bàn giao cho bệnh viện 8 máy, còn 5 máy chưa bàn giao. 5 máy này thuộc sở hữu của công ty Thiên Sơn nhưng vẫn đặt tại bệnh viện.
Về vấn đề nhân sự, máy móc mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng, theo bị cáo Tuấn khai: Việc vận hành hệ thống máy móc, điều trị cho bệnh nhân thuộc trách nhiệm của bệnh viện. Công ty Thiên Sơn chỉ có trách nhiệm cho bệnh viện thuê máy, khi nào hỏng hóc thì phía bệnh viện thông báo cho công ty Thiên Sơn, sau đó công ty cử nhân viên kỹ thuật xuống sửa chữa. “Công ty Thiên Sơn chỉ cho bệnh viện thuê máy chạy thận. Còn hệ thống lọc nước RO hoàn toàn do bệnh viện trang bị. Về con người, bố trí nhân lực vận hành hệ thống lọc máu là do bệnh viện”, bị cáo Tuấn nói.
Bị cáo này tiếp tục nhấn mạnh: “Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm cử kỹ thuật viên làm nhiệm vụ đảm bảo chất lượng nước, tôi nhớ là không có nội dung đảm bảo hệ thống lọc nước. Chỉ đảm bảo phục vụ an toàn cho máy chạy thận chứ không bao hàm đảm bảo hệ thống lọc nước. Máy chạy thận và hệ thống lọc nước, hai cái hoàn toàn khác nhau”.
Phản bác một quy kết khác của cáo trạng, bị cáo Tuấn khai chỉ khi nào máy hỏng và nhân viên ở Khoa báo với công ty Thiên Sơn thì công ty mới cho người tới sửa chữa, chứ không có việc là có kỹ thuật viên trực sẵn ở bệnh viện.
Trả lời một câu hỏi khác của HĐXX: “Với tư cách là Giám đốc công ty Thiên Sơn, có khi nào bị cáo có ý kiến, can thiệp về việc chạy thận của BVĐK tỉnh Hòa Bình không?”. Bị cáo Tuấn khẳng định: “Tôi không có quyền đấy ạ. Nói về máy chạy thận hỏng thì thực tế hỏng rất nhiều lần. Chúng tôi không có quyền trong việc quyết định về việc chạy thận. Chỉ là máy hỏng thì cho người xuống sửa chữa”.