Sáng 8/5, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - sau đổi thành ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB và nay là ngân hàng xây dựng - CB).
Cáo trạng truy tố Hứa Thị Phấn (SN 1947, quê tỉnh Đồng Tháp, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) và 27 đồng phạm về 2 tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài các bị cáo trong vụ án, chủ tọa phiên tòa còn triệu tập 2 bị án là Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) và Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB).
Trong phiên tòa này, ngoài ngân hàng Xây dựng Việt Nam được xác định là nguyên đơn dân sự, TAND TP.HCM cũng triệu tập đến phiên tòa đại diện 16 ngân hàng, đại diện 47 công ty, tổ chức, 115 cá nhân với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Theo ghi nhận của PV, bị cáo Hứa Thị Phấn không có mặt tại tòa. Vậy vì sao nữ bị cáo cầm đầu vụ án này lại vắng mặt? Theo tìm hiểu của PV, bị cáo Phấn không đến tòa là vì lý do sức khỏe.
Được biết, bị cáo Phấn hiện vẫn đang nằm ở bệnh viện Tân Hưng, quận 7, TP.HCM có giá tối thiểu 60 triệu đồng/tháng. Theo hồ sơ bệnh án, bị cáo Phấn bị bệnh đái tháo đường type 2, gan nhiễm mỡ, mất 8 răng, viêm tai giữa và thoái hoá cột sống, xương khớp. Với những bệnh này, trung tâm Pháp y, sở Y tế TP.HCM giám định bà Phấn bị mất 93% sức khoẻ.
Trước đó, luật sư Lưu Văn Tám, một trong những luật sư bào chữa cho Hứa Thị Phấn đã có đơn gửi HĐXX TAND TP.HCM đề nghị hoãn phiên tòa do tình hình sức khỏe của bà Phấn rất xấu, không đảm bảo tham gia phiên tòa.
“Đến thời điểm hiện tại, khi luật sư chúng tôi đến bệnh viện thăm gặp bị cáo Hứa Thị Phấn để chuẩn bị công việc bào chữa thì thấy bị cáo luôn trong tình trạng sức khỏe rất kém. Luật sư chúng tôi hoàn toàn không thể nói chuyện, tiếp xúc, gọi hỏi, trao đổi được gì với bị cáo Hứa Thị Phấn về các bất kỳ nội dung gì có liên quan đến vụ án được nêu trong cáo trạng của VKSND Tối cao”, luật sư Tám nêu trong đơn.
Trước khi phiên tòa được khai mạc, bị cáo Hứa Thị Phấn cũng không có đơn đề nghị tòa án xét xử vắng mặt theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Luật sư Tám cho rằng, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, đây là trường hợp bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng vì vậy thuộc trường hợp cần phải hoãn phiên tòa.
Bị cáo Hứa Thị Phấn không đến tòa, cũng chưa có lời khai nào liên quan đến sai phạm trong vụ án này, nhưng sáng nay phiên tòa vẫn được xét xử.
Trao đổi với báo chí trước đó, Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa tòa Hình sự TAND TP.HCM - Chủ tọa phiên tòa cho biết, trong hồ sơ đã có kết luận của hội đồng Giám định y khoa do cơ quan CSĐT bộ Công an thể hiện bị cáo Phấn mất sức khỏe 93%. Nếu bị cáo Phấn vì sức khỏe không thể có mặt và xét thấy sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại đến việc xét xử thì HĐXX vẫn xét xử vụ án bình thường.
Bị cáo Hứa Thị Phấn được xác định vai trò cầm đầu, chủ mưu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Phấn phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền trên 6.341 tỷ đồng mà TrustBank bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bà Phấn và đồng phạm gây ra.
Trước khi khởi tố bà Phấn vào ngày 22/3/2017 thì ngày 6/3/2017, bà Phấn nhập viện cấp cứu. Từ đó đến nay, cơ quan điều tra bộ Công an đã nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng của bị cáo này để tiến hành hỏi cung. Tuy nhiên, bị cáo này luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi không trả lời.
Ngày 29/9/2017, bà Phấn bị TAND TP.Hà Nội xử (vắng mặt) 17 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sau đó, bị cáo Phấn có kháng cáo. Và, ngày 4/5 vừa qua, trong phiên xử phúc thẩm đại án Oceanbank, TAND Cấp cao tại TP.Hà Nội đã tuyên y án (vắng mặt) 17 năm tù đối với bị cáo Hứa Thị Phấn.