Sáng 23/5, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là ngân hàng xây dựng - CB) với phấn luận tội của đại diện VKSND TP.HCM thực hành quyền công tố tại tòa.
Cáo trạng của vụ án truy tố Hứa Thị Phấn (SN 1947, quê tỉnh Đồng Tháp, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) về 2 tội: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong số các bị cáo bị truy tố chung với Phấn, có Ngô Kim Huệ, nguyên Phó TGĐ TrustBank, Giám đốc công ty TNHH Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan, Kế toán công ty TNHH Phú Mỹ; Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT TrustBank; Trần Sơn Nam, nguyên Tổng Giám đốc TrustBank và 23 bị cáo khác được xác định vai trò đồng phạm với Phấn và cùng bị truy tố chung với Hứa Thị Phấn trong vụ án này.
Theo đại diện VKS, bà Hứa Thị Phấn là bị cáo giữ vai trò cầm đầu, thông qua Bùi Thị Kim Loan (nguyên Kế toán công ty Phú Mỹ), Huệ nâng khống nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch rồi bán lại cho TrustBank, gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng. Chi phối lãnh đạo, kế toán tại 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang lập hồ sơ, chứng từ hoạch toán thu – chi khống, gây thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng cho TrustBank.
Bị cáo Bùi Thị Kim Loan giữ vai trò tích cực, là thư ký của bà Phấn, “xúc tiến” các công việc liên quan đến 2 hành vi phạm tội. Thay mặt bà Phấn chỉ đạo lãnh đạo, ban điều hành của TrustBank, cũng như lãnh đạo 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang thực hiện các hành vi sai trái.
VKS cho rằng, bà Hứa Thị Phấn đã lôi kéo hàng loạt cán bộ, nhân viên TrustBank và cả nhiều người thân trong gia đình, tham gia thực hiện nhiều hành vi trái quy định pháp luật, thao túng toán bộ HĐQT, ban Điều hành ngân hàng, lãnh đạo nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng cho TrustBank thông qua việc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch là tài sản của bà Phấn bán cho ngân hàng; Hạch toán khống để sử dụng hơn 5.200 tỷ đồng của TrustBank.
Hành vi của bà Phấn và 27 đồng phạm là nguy hiểm cho xã hội, trong đó có 2 bị cáo là Bùi Thị Kim Loan, Ngô Thị Ngân là những bị cáo đã giúp sức đắc lực cho bà Phấn thực hiện hành vi phạm tội.
Các bị cáo Ngô Kim Huệ, Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh, Nguyễn Công Tụ, Vũ Thị Như Thảo, Ngô Thị Đoan Trang là các lãnh đạo của TrustBank nhưng đã không thực hiện đúng các quy định pháp luật trong lĩnh vực tín dụng, thẩm định giá, kế toán. Từ đó tiếp tay, tạo điều kiện cho bà Phấn phạm tội, kéo theo đó là hàng loạt nhân viên ngân hàng, pháp nhân do chấp hành chỉ đạo cấp trên, nể nang, tin tưởng và vì mối quan hệ gia đình cũng lao vào con đường phạm tội, tiếp tay cho bà Phấn.
Trong vụ án này, Hứa Thị Phấn là người cầm đầu, trong vụ án có nhiều bị cáo là con cháu, người quen của bà Phấn. Trong khi mọi hoạt động, bà Phấn sử dụng Bùi Thị Kim Loan là thân cận nhất, có quyền thay mặt mình chỉ đạo các bị cáo khác, kể cả các bị cáo là con, cháu trong gia đình của bà Phấn.
Đồng thời, bị cáo Loan đã thực tiếp thực hiện hành vi phạm tội. Quá trình xét xử, bà Phấn vắng mặt, bị cáo Loan mới sinh con và cố tình không hợp tác với HĐXX, bằng việc liên tục xin hoãn phiên tòa, mang con nhỏ đến tòa để gây sức ép cho HĐXX, khai báo quanh co, không thừa nhận hành vi phạm tội.
Các bị cáo là lãnh đạo và giữ vị trí quan trọng trong TrustBank như Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Lưu Kim Huệ, Lâm Hồng Trinh, Lâm Kim Dũng, Ngô Thị Ngân, Nguyễn Công Tụ, Vũ Như Thảo, Ngô Nguyễn Đoan Trang, Lâm Kim Thu, Huỳnh Thị Băng Tâm thực hiện mọi chỉ đạo từ bà Phấn thông qua chỉ đạo của Bùi Thị Kim Loan để thực hiện những hành vi trái pháp luật, tạo điều kiện cho bà Phấn phạm tội, chiếm đoạt số tiền lớn, gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng cho TrustBank.
Các bị cáo là nhân viên ngân hàng, đứng tên pháp nhân, nhận sự chỉ đạo của cấp trên, cố tình bỏ qua các quy định pháp luật, bỏ mặc hậu quả, thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên, đối với các bị cáo là người làm công ăn lương, thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, không hưởng lợi nên cũng xem xét.
Tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không hưởng lợi, nhiều bị cáo đã tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án như Hoàng Văn Toàn, Vũ Thị Như Thảo, Lâm Kim Huệ, Lâm Kim Thu, Huỳnh Thị Băng Tâm …đã chủ động và thành khẩn khai báo về các hành vi phạm tội, các tài sản đứng tên để các cơ quan tố tụng kê biên, đảm bảo việc giải quyết, khắc phục hậu quả của vụ án.
Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ về nhân thân có nhiều người có công với cách mạng, hoàn cảnh gia đình khó khăn như bị cáo Huỳnh Vĩnh Mậu, Huỳnh Thị Băng Tâm.
Các bị cáo Bùi Thị Kim Loan, Ngô Kim Huệ, Hứa Thị Bích Hạnh, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Huỳnh Thị Băng Tâm, Trần Ngọc Bích, Lê Thị Tuyết Anh, Đỗ Thị Hồng Nhung, Nguyễn Ngọc Tuyết, Hà Thị Thu Thảo, Trịnh Thị Ngọc Hân, đang nuôi con nhỏ.
Một số bị cáo trong vụ án có quan hệ huyết thống, vợ chồng do đó khi lượng hình cần xem xét giảm cho các bị cáo một phần hình phạt, đồng thời trong vụ án cần xem xét vai trò đồng phạm, mức độ phạm tội, nhận thức pháp luật hạn chế của một số bị cáo để phân hóa, quyết định hình phạt và không cần thiết cách ly đối với một số bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội sửa chữa, trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.
Từ các nhận định nêu trên, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn mức án 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Đề nghị tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan mức án từ 13 - 14 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 15 - 16 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là từ 28 - 30 năm tù.
Cùng về 2 tội danh trên, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Ngô Kim Huệ tổng mức án từ 10 – 12 năm tù giam.
Đối với 25 bị cáo còn lại bị truy tố cùng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bị đề nghị các mức án từ 3 năm tù treo đến 12 năm tù giam.
Về phần dân sự, VKS đề nghị HĐXX tuyên buộc bà Phấn phải bồi thường số tiền chiếm đoạt hơn 1.105 tỷ từ hành vi Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bồi thường thiệt hại số tiền hơn 5.200 tỷ đồng từ hành vi Cố ý làm trái, bồi thường lãi suất phát sinh của số tiền hơn 5.200 tỷ đồng và khoản lãi phạt của tổng dư nợ gốc hơn 9.400 tỷ đồng tính đến ngày khởi tố vụ án.
Buộc công ty Phương Trang và các công ty có quan hệ hợp tác kinh doanh với Phương Trang phải thanh toán khoản nợ gốc hơn 3.900 tỷ đồng là tiền nợ gốc từ các khoản vay của công ty Phương Trang, các công ty có quan hệ hợp tác và lãi suất phát sinh tính đến ngày khởi tố vụ án.
Tiếp tục kê biên các bất động sản, tài sản để đảm bảo thi hành án, thu hồi các khoản tiền được xác định là vật chứng của vụ án để khắc phục hậu quả cho ngân hàng Xây dựng – CB.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận…