Sau 4 ngày thẩm vấn xét hỏi, chiều 17/10, Đại diện VKS Nhân dân tỉnh Hà Giang đọc bản luận tội và đề xuất mức án đối với 5 bị cáo trong vụ xét xử gian lận điểm thi xảy ra tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Hoài là người chủ mưu, khởi xướng, chỉ đạo Vũ Trọng Lương nâng điểm cho các thí sinh, do đó phải nhận mức án cao nhất.
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở GD&ĐT Hà Giang) từ 8-9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị cáo Vũ Trọng Lương (cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị đề nghị mức án từ 7-8 năm tù.
Bị cáo Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT) bị đề nghị từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 BLHS 2015.
“Bị cáo Chính đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của Trưởng ban chấm thi, Chính đưa cho Hoài danh sách 13 thí sinh cần nâng điểm và thống nhất nâng điểm cho 12 thí sinh đối với môn ngữ văn. Tuy nhiên, việc chưa kịp nâng điểm là yếu tố khách quan mang lại, ngoài ý chí chủ quan của các bị cáo”, Đại diện VKS nói tại phiên tòa.
Bị cáo Phạm Văn Khuông (cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang) bị đề nghị xử phạt từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS 2015.
Bị cáo Lê Thị Dung (cựu Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị đề nghị xử phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS 2015.
Theo đánh giá của VKS, hành vi của các bị cáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong dư luận xã hội, làm mất đi tính công bằng trong xã hội. Các bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có nhiều năm công tác trong ngành, am hiểu các quy định của ngành giáo dục nhưng vì nể nang bạn bè, người thân, đồng nghiệ nên đã thực hiện hành vi phạm tội của mình để kỳ thi diễn ra không còn khách quan, nghiêm túc, công bằng.
Việc đưa vụ án ra xét xử góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và các nhân chứng đều khẳng định không nhận và đưa tiền cho Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương trong việc nhờ Hoài và Lương nâng điểm cho các thí sinh. Do đó không có đủ căn cứ để khẳng định hai bị cáo đã vụ lợi.
Theo danh sách công bố kết quả chấm thẩm định của bộ GD&ĐT, có 318 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra kết luận Vũ Trọng Lương đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi các môn được nâng điểm. Trong số đó, có 102 bài thi môn toán, 85 bài thi môn Vật lý, 56 bài thi môn Hóa học, 07 bài thi môn Lịch sử, 01 bài thi môn Địa lý, 50 bài thi môn Tiếng Anh, và 08 bài thi môn Sinh học.
Thí sinh được nâng cao nhất có số báo danh 05000592 nâng 4 môn trắc nghiệm (Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ) số điểm chênh lệch 29,95 điểm. Thí sinh được nâng ít nhất có số báo danh 05000398 nâng một môn, số điểm chênh lệch 2,2 điểm. Quá trình can thiệp nâng điểm cho các thí sinh môn trắc nghiệm xác định chỉ một mình Vũ Trọng Lương thực hiện.
Lời khai của các bị cáo tại phiên toà
Tại phiên toà xét xử, bị cáo Vũ Trọng Lương khai bản thân là kỹ thuật viên của sở GD&ĐT nên đồng ý nhận sửa điểm thi sau khi cấp trên là Nguyễn Thanh Hoài đặt vấn đề. Sau 3 lần nhận danh sách 93 thí sinh do ông Hoài đưa, Lương trực tiếp nhận thêm 14 thí sinh khác do người thân nhờ để thực hiện thao tác nâng điểm tốt nghiệp. Với mỗi bài thi, bị cáo mất 2 giây để chỉnh sửa.
Khai trước tòa, Vũ Trọng Lương nhiều lần khẳng định việc nâng điểm hoàn toàn tự nguyện vì quan hệ tình cảm. Lương không nhận hay hứa hẹn nhận bất kỳ vật chất, yếu tố vụ lợi nào. Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài là người thứ 2 được thẩm vấn. Hoài thừa nhận những nội dung buộc tội trong cáo trạng. Bị cáo đã đánh dấu 93 thí sinh được nhờ nâng điểm để đưa cho Vũ Trọng Lương. Đứng trước bục gỗ, Hoài lần lượt liệt kê danh sách các quan chức, giáo viên và nhiều người khác nhờ nâng điểm thi cho con, cháu. Danh sách có cả ông Trần Đức Quý (Phó chủ tịch tỉnh), chị Triệu Thị Giang (em gái ông Triệu Tài Vinh),...
Cũng giống như Lương, bị cáo Hoài quả quyết việc nhận sửa điểm cho 93 thí sinh hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi. Hoài chỉ thừa nhận đã nhận bánh kẹo, hoa quả, không lấy bất kỳ vật chất nào.
Bị cáo Phạm Văn Khuông khai nhờ Nguyễn Thanh Hoài "quan tâm đến cháu" - là con trai của ông Khuông. Tự hiểu câu nói của cấp trên, bị cáo Hoài đã nâng cho thí sinh này 13,3 điểm. Bị cáo Khuông giãi bày bản thân không đề nghị nâng điểm môn nào mà “chỉ nhờ chung chung”. Việc Hoài nâng điểm là tự nguyện.
Cựu công an Lê Thị Dung là bị cáo thứ 4 trả lời thẩm vấn và cũng thừa nhận cáo trạng đã truy tố đúng. Bà Dung "chống chế" rằng bản thân chỉ nhờ Nguyễn Thanh Hoài "xem xét giúp đỡ các cháu trong phạm vi có thể giúp được" đối với 20 thí sinh. Bị cáo này trình bày chỉ đưa danh sách, còn ông Hoài nâng được điểm hay không thì bà ta không nắm rõ. Những người đưa thông tin thí sinh cho bà Dung gồm chị gái, ân nhân, đồng nghiệp trong ngành công an.
Bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang được tòa xét hỏi cuối cùng. Khác với 4 bị cáo trước, bà Chính không đồng ý với nội dung buộc tội trong cáo trạng của VKS. Bị cáo Chính nhiều lần nói bản thân chỉ nhờ Nguyễn Thanh Hoài xem điểm thi cho 13 thí sinh, không nhờ nâng điểm. Trong danh sách này có con ông Triệu Tài Vinh, con bị cáo Phạm Văn Khuông.
Bà Chính cũng khai ông Vũ Văn Sử (cựu Giám đốc sở GD&ĐT) đã nhờ xem điểm cho 3 thí sinh, trong đó có người thân của bà Chúng Thị Chiêng - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang, bà Lại Thị Hương - Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang cùng nhiều cán bộ sở, ngành.
Thu Huyền - Hữu Thắng