Video: Ông Vũ Văn Sử - cựu GĐ sở GD&ĐT trần tình tại toà
Trong phiên tòa sáng 16/10, ông Vũ Văn Sử - cựu Giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang có mặt để HĐXX làm rõ nhiều tình tiết. Tại phiên toà chiều 15/10, bị cáo Triệu Thị Chính có khai ông Vũ Văn Sử (thời điểm đó là Giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang) chuyển tiếp tin nhắn của 3 trường hợp là con bà Nông Lâm Thanh Triều - Phó phòng Giáo dục huyện Xín Mần; bà Lại Thị Hương - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang; và Chúng Thị Chiên - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang.
Đứng ở vị trí dành cho người làm chứng, ông Sử thừa nhận đã chuyển danh sách 3 thí sinh cho bị cáo Triệu Thị Chính. Với 2 thí sinh còn lại, ông Sử cũng thừa nhận thông tin và chuyển cho bà Chính nhưng với lời nhắn “xem hộ nhé”, ngoài ra không nhắn gì thêm. Chủ toạ, Thẩm phán Vương Thị Thu Hà tiếp tục truy vấn: "Vậy ông phát hiện sai phạm gì trong kỳ thi năm 2018 và đã xử lý ra sao?”
Trả lời thẩm phán, ông Sử nói: “Cuộc họp tối 6/7/2018 tại Trường THPT chuyên Hà Giang sau khi bài thi trắc nghiệm đã chấm xong nhưng tài liệu, bài thi vẫn phải được bảo quản tại Trường THPT chuyên Hà Giang vì có nhiều công an bảo vệ. Tuy nhiên, sau khi ra về thầy Bình gọi điện báo phòng chứa bài thi trắc nghiệm chỉ khóa 1 ổ khóa (quy định của Sở phải khóa bằng 2 ổ khóa), do đó tôi trở lại Trường THPT chuyên Hà Giang.
Sau đó khi xem hình ảnh từ camera giám sát, tôi và nhiều cán bộ đã phát hiện anh Vũ Trọng Lương một mình mở niêm phong, mở khóa phòng chứa bài thi bê CPU máy tính ra. Tôi cùng thầy Bình và nhiều người lập tức đến nhà Lương và Hoài nhưng đều không gặp được ai”. Giãi bày thêm, cựu Giám đốc sở GD&ĐT nói: “Tôi thấy sự việc nghiêm trọng nên không ăn nổi cơm. Đêm đó tôi dùng cả thuốc an thần nhưng cũng không ngủ được".
Ngày hôm sau, tại cuộc họp trong sở GD&ĐT, bị cáo Vũ Trọng Lương ban đầu không thừa nhận vi phạm. Tuy nhiên, sau khi được đích thân ông Sử đưa quy chế thi, Lương mới thừa nhận đã vận chuyển các tài liệu thi ra khỏi phòng bảo mật mà chưa được sự cho phép của Hội đồng thi.
Trước HĐXX, ông Sử thừa nhận sai phạm và khẳng định, bản thân đã nhận trách nhiệm với cơ quan cao nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương. "Tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng nhận kỷ luật", ông Sử nói.
Tiếp tục thẩm vấn, chủ tọa đề nghị ông Vũ Văn Sử đặt cương vị là người có vai trò cao nhất ngành giáo dục Hà Giang thời điểm xảy ra vụ án để tự nói về trách nhiệm của bản thân. Chủ toạ đặt câu hỏi: "Dư luận rất quan tâm việc chống tiêu cực nhưng trong kỳ thi lại có biểu hiện tiêu cực của một số cán bộ. Ông nghĩ gì?”
Ông Sử nói điều khó nhất chính là yếu tố con người. “Tôi không bao giờ nghĩ tỉnh mình lại dính vào vụ nâng điểm thi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thi cử nước nhà diễn ra vụ việc nghiêm trọng như vậy, nếu dùng từ “choáng, sốc” cũng không đủ để phản ánh”, ông Sử giãi bày.
Chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi: “Ông đã nói với cấp dưới quan tâm đến một số con em cán bộ lãnh đạo Hà Giang? Là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, liệu đây có phải là mở lối cho tội phạm tiêu cực?”.
Trả lời HĐXX, ông Sử nhận bản thân nghĩ không phải như vậy. Ông nói rằng đó chỉ là những câu nói trong câu chuyện hàng ngày khi ông ngồi uống nước với cấp dưới. "Nói xong tôi cũng quên câu chuyện đó ngay. Câu chuyện chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp có ít người thôi", cựu Giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang phân trần.
Cũng trong ngày làm việc thứ 3 vụ xét xử gian lận thi cử tại Hà Giang, HĐXX xét hỏi ông Nguyễn Thế Bình - Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang, là người đại diện cơ quan này được cử đến dự tòa với tư cách đơn vị liên quan.
Đứng trước toà, ông Bình bày tỏ: “Quan điểm của sở GD&ĐT Hà Giang là luôn hợp tác với cơ quan tố tụng, nên nhất trí cho cơ quan điều tra thu giữ những vật chứng, tài liệu. Chúng tôi nhận thức rõ sự việc xảy ra là sự cố ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của ngành.
Tuy nhiên đối với tất cả các bị cáo, đều là những người có thời gian công tác lâu năm trong ngành, tại sở GD&ĐT, phần đa đã có nhiều cống hiến cho hoạt động chung của ngành và đã được đánh giá xếp loại hàng năm cũng như qua các bằng khen, giấy khen họ nhận được. Do đó rất mong HĐXX khi lượng hình đảm bảo sự công minh của pháp luật nhưng đồng thời xem xét đến những cống hiến của họ, để giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời”.
Thu Huyền - Hữu Thắng