Chiều 28/8, tiếp tục phiên xét xử vụ đại án kinh tế xảy ra tại ngân hàng Đại Dương, vị đại diện VKS đứng lên công bố bản cáo trạng. Tuy nhiên, chưa đầy 5 phút, chủ tọa buộc phải ngắt lời VKS để giải đáp thắc mắc của các luật sư về việc vắng mặt của bà Hứa Thị Phấn – nguyên Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ.
Bà Phấn bị truy tố về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 3, Điều 179, BLHS.
Sau ít phút hội ý, Chủ tọa Trần Nam Hà – Thẩm phán của TAND TP.Hà Nội đưa ra câu trả lời về việc này như sau: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43, bà Hứa Thị Phấn không thuộc diện quy định của Thông tư này nên HĐXX đã ra quyết định tạm giam đối với bà.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành lệnh bắt tạm giam, tòa đã xác minh việc bà Hứa Thị Phấn đang bị bệnh, với kết luận giám định pháp y bà mất 93% sức khỏe (thực tế bà Phấn đang nằm viện điều trị). Do đó, tình trạng sức khỏe của bà Phấn đã được bộ Công an xác nhận, đồng thời căn cứ vào đơn đề nghị của bà với sự chứng kiến của luật sư, bà Phấn xin được phép vắng mặt.
Xét thấy tình trạng sức khỏe cũng như đơn đề nghị xét xử vắng mặt, HĐXX tạm thời chấp nhận đơn đề nghị của bà Hứa Thị Phấn. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết trong quá trình thẩm vấn, HĐXX có thể ra lệnh bắt giam đối với bà Hứa Thị Phấn để phục vụ điều tra, xét xử.
Trả lời câu hỏi của luật sư Thơ về việc hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm bị đánh tráo bút lục, Thẩm phán Trần Nam Hà khẳng định: Theo báo cáo lại của HĐXX, quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư Thơ không tiếp cận hồ sơ.
Tài liệu luật sư Thơ xuất trình cho HĐXX từ bút lục số 1 đến bút lục số 80 là tài liệu xét xử vụ án Phạm Công Danh và các bị cáo tại ngân hàng Xây dựng (do TAND TP HCM xét xử năm 2016), chứ không phải tài liệu xét xử vụ án Hà Văn Thắm.
Sau khi giải đáp các thắc mắc của luật sư, HĐXX mời VKS tiếp tục công bố bản cáo trạng.
Trên cơ sở kết quả điều tra và điều tra bổ sung đã xác định được như sau: Ngân hàng TMCP Đại Dương - Ocean Bank có Chủ tịch HĐQT, đồng thời là đại diện trước pháp luật là Hà Văn Thắm.
Đến thời điểm ngày 31/3/2014, vốn điều lệ của ngân hàng Đại Dương là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông. Trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) chiếm 20%; công ty CP tập đoàn Đại Dương (OGC) chiếm 20%; công ty TNHH VNT chiếm 20% và công ty CP Đầu tư và xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%.
Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT đã sử dụng những công ty và cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Thắm để nắm giữ 62,97% cổ phần tại ngân hàng Đại Dương.
Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính – tiền tệ tại ngân hàng Đại Dương có nhiều vi phạm, dẫn đến nợ xấu thời điểm 31/3/2014 là 14.923.135 triệu đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của ngân hàng Đại Dương; lợi nhuận trước thuế lỗ 10.188.794 triệu đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần)…
Ngày 06/5/2015, ngân hàng Nhà nước quyết định thu mua lại ngân hàng TMCP Đại Dương với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình thành ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên Đại Dương.
Để xảy ra hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, ngân hàng Đại Dương và các cổ đông liên quan là do hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn cùng ban Giám đốc ngân hàng Đại Dương trong các thời kỳ, lãnh đạo các Khối nghiệp vụ ở Hội sở, lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch và các đối tượng có liên quan khác đã làm trái các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, hoạt động kinh doanh tiền tệ, vi phạm các quy định về cho vay; lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền của Nhà nước, của ngân hàng Đại Dương, của các cổ đông và khách hàng.
Thúy An