Xét xử Huyền Như: Luật sư tranh luận nảy lửa về việc ai phải đền hơn 1.000 tỷ đồng

Xét xử Huyền Như: Luật sư tranh luận nảy lửa về việc ai phải đền hơn 1.000 tỷ đồng

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 3, 29/05/2018 20:47

Các luật sư tranh luận nảy lửa trong ngày xét xử thứ hai về trách nhiệm đền bù dân sự trong vụ án lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.

Hôm nay, phiên xét xử phúc thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại ngân hàng VietinBank chi nhánh TP.HCM bước vào ngày làm việc thứ 2 với phần tranh luận của các luật sư (LS).

Phiên xử phúc thẩm xoay quanh nội dung kháng cáo của 4 trong số 5 công ty gửi 1.085 tỷ đồng vào VietinBank và bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, VietinBank chi nhánh TP.HCM) chiếm đoạt.

Xét xử Huyền Như: Luật sư tranh luận nảy lửa về việc ai phải đền hơn 1.000 tỷ đồng

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn do cựu quyền Trưởng phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank Huỳnh Thị Huyền Như gây ra.

Trách nhiệm rõ ràng của “siêu lừa” Huyền Như

Tranh luận tại phiên tòa, các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, công ty CP Chứng khoán Saigonbank - Berjaya (SBBS), công ty Chứng khoán Phương Đông, LS. Trần Minh Hải cho rằng, khi thực hiện các hành vi phạm tội, Huỳnh Thị Huyền Như thực hiện chức trách của một cán bộ VietinBank. Trong khi đó, các công ty đã thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước khi mở tài khoản thanh toán. Vì thế, LS của các nguyên đơn dân sự cho rằng, VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Riêng LS. Trần Minh Hải cho rằng, bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm hồi tháng 2/2018 đã có 10 sai lầm pháp lý.

Từ đó vị LS bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một trong bốn nguyên đơn dân sự trong vụ án (có kháng cáo) đi đến đề nghị HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM ghi nhận ý kiến của mình về những sai sót ở bản án sơ thẩm và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để yêu cầu điều tra, xét xử lại.

Trong khi đó, LS. Trương Thị Hoà (bảo vệ VietinBank, phụ trách hồ sơ công ty Bảo hiểm Toàn Cầu) thì cho rằng, các căn cứ pháp lý mà công ty viện dẫn tại đơn kháng cáo là không thể chấp nhận vì không phù hợp với sự thật và tình tiết khách quan của vụ án.

Công ty Toàn Cầu buộc VietinBank phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường theo Điều 87, Bộ luật Dân sự về quyền dân sự của pháp nhân. Tuy nhiên theo hồ sơ vụ án, Như không phải là người đại diện theo pháp luật, cũng không phải người đại diện theo uỷ quyền của VietinBank, vì thế căn cứ của công ty Toàn Cầu dựa trên điều 87 là không có.

“Rõ ràng, VietinBank trong vụ án này cũng không chỉ đạo Như thực hiện huy động lãi suất vượt trần. Như đã thực hiện hành vi lừa đảo, đó là hành vi bất hợp pháp. VietinBank không thể chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật của Như. Nếu nói về thực hiện nghĩa vụ liên đới theo Điều 288, 275, Bộ luật Dân sự thì trong vụ án này cũng không có sự thoả thuận nào giữa Như, VietinBank và công ty Toàn Cầu về trách nhiệm liên đới” – LS. Hòa trình bày.

LS. Trương Xuân Tám (bảo vệ VietinBank, phụ trách hồ sơ công ty Chứng khoán Phương Đông - ORS) cho rằng, ORS chỉ là nguyên đơn dân sự, kháng cáo về trách nhiệm bồi thường chứ không có quyền kháng cáo về tội danh của các bị cáo.

LS Tám khẳng định đây là vụ án hình sự, không phải vụ án dân sự. Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Như với cty ORS là có 8 dấu hiệu rõ ràng do đó không có căn cứ nào để khẳng định cơ quan tố tụng bảo vệ VietinBank tại bản án sơ thẩm.

Liên quan đến nội dung kháng cáo của công ty SBBS về yêu cầu VietinBank bồi thường cho công ty SBBS 210 tỷ đồng và tiền lãi, LS. Nguyễn Thị Bắc phản bác với lý do Huỳnh Thị Huyền Như với tư cách cá nhân đã giả danh VietinBank chi nhánh Nhà Bè để “thỏa thuận ngầm” với Vũ Thị Mỹ Linh là Kế toán trưởng công ty SBBS về việc gửi tiền vào chi nhánh Nhà Bè với lãi suất cao. Đây là thỏa thuận bất hợp pháp và là thủ đoạn của Như, Linh dùng để chiếm đoạt tiền của công ty SBBS.

Công ty SBBS có lỗi và có sai phạm trong quá trình giao dịch với Huỳnh Thị Huyền Như về ủy thác đầu tư vốn cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè để hưởng lãi suất chênh ngoài hợp đồng. Công ty SBBS cũng  mở tài khoản thanh toán tại VietinBank chi nhánh Nhà Bè thực chất là để thực hiện thỏa thuận ngầm với Huỳnh Thị Huyền Như trước đó, chuyển tiền vào tài khoản nhằm mục đích trục lợi thu lãi suất chênh ngoài hợp đồng và để được hưởng chi phí hoa hồng chứ không phải mở để thực hiện các dịch vụ thanh toán cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp…

Theo LS này, VietinBank hoàn toàn không biết việc thỏa thuận “ngầm” về lãi suất vượt trần và giao dịch trái pháp luật giữa công ty SBBS với cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như. VietinBank không ký hợp đồng ủy thác đầu tư vốn với SBBS, không trả tiền lãi 14% và không trả tiền lãi chênh cho công ty SBBS. Do vậy, VietinBank hoàn toàn không có lỗi đối với các sai phạm của công ty SBBS. Ngay sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, VietinBank đã chủ động báo cáo cơ quan chức năng đề nghị xử lý.

Phụ trách hồ sơ công ty An Lộc, LS. Nguyễn Văn Trung khẳng định, về chi vượt trần, các nguyên đơn dân sự hoàn toàn biết rõ là trái pháp luật nhưng vì lợi nhuận nên vẫn làm. Tất cả giao dịch tiền gửi đều do Phương của công ty An Lộc trực tiếp làm với  Như. Lý do vì sao Lộc Việt và ORS đồng ý gửi tiền tại VietinBank là 14%, rồi gửi cho TPBank là 18%, rõ ràng là có giao dịch chi ngoài.

“Qua vụ án này, chỉ những ai giao dịch trực tiếp bất hợp pháp với Như bất chấp pháp luật thì mới bị thiệt hại. Thực tế hàng triệu giao dịch của khách hàng với VietinBank đều an toàn, uy tín và doanh thu VietinBank đã được chứng minh” – LS. Trung nói và đề nghị HĐXX xem xét không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Cơ quan công tố khẳng định kháng cáo của 4 nguyên đơn dân sự không có căn cứ

Trước đó, đại diện VKS cho rằng, Huyền Như đã có lời nói, đưa ra thông tin giả về việc VietinBank huy động vốn với lãi suất cao, để làm cho các đơn vị tin nhằm gửi tiền vào ngân hàng. Sau đó, bị cáo dùng quyền kiểm soát viên ngân hàng để chuyển tiền vào các tài khoản sử dụng cá nhân.

Xét xử Huyền Như: Luật sư tranh luận nảy lửa về việc ai phải đền hơn 1.000 tỷ đồng (Hình 2).

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như

Hành vi của bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1.085 tỷ đồng. Cơ quan công tố cũng khẳng định không có cơ sở quy kết Huyền Như phạm tội Tham ô tài sản.

Từ đó, đại diện VKS cho rằng, kháng cáo của 4 công ty nói trên là không có căn cứ. Cơ quan công tố đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo, tuyên bị cáo Huyền Như y án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về trách nhiệm dân sự, VKS cho rằng Võ Anh Tuấn và Huỳnh Thị Huyền Như phải chịu trách nhiệm với số tiền 200 tỷ đồng của công ty Hưng Yên. Riêng Huyền Như phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường hơn 885 tỷ đồng cho 4 công ty còn lại.

Bản án sơ thẩm xác định, năm 2009-2012, Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ gặp gỡ nhiều tổ chức, cá nhân huy động tiền gửi cho VietinBank rồi chiếm đoạt.

Như bỏ tiền của mình ra để trả tiền lãi ngoài hợp đồng, phí môi giới dẫn dụ họ gửi tiền. Khi tiền vào tài khoản mở tại VietinBank, Như lập các chứng từ, giả chữ ký chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống trực tiếp chuyển tiền này trả những món nợ của mình.

Tổng cộng, Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng. Trong đó, 5 công ty có tài khoản mở tại VietinBank bị chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng.

Bị tuyên án chung thân và buộc bồi thường toàn bộ tiền cho các công ty, bị can Huyền Như đã chấp nhận bản án này.

 Vinh Phan

 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.