Ngày 12/11, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Có 92 bị cáo bị truy tố về 6 tội danh. Quá trình đưa vụ án ra xét xử, 91/92 bị cáo đã có mặt. Riêng bị cáo Đặng Hà Thu (SN 1985, tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), nghề nghiệp là giáo viên, vắng mặt tại phiên tòa.
Ngoài ra, bị hại duy nhất trong vụ án này vắng mặt. Nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; người làm chứng cũng đã không có mặt theo giấy triệu tập của tòa.
HĐXX gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân và 1 thẩm phán dự khuyết. Chủ tọa điều hành phiên tòa là bà Nguyễn Thị Thùy Hương.
Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh khai nhầm một số chi tiết
Theo quy định của pháp luật thì Bản án, quyết định được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Tuy nhiên, sau phần thủ tục kiểm tra căn cước các bị cáo, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và các bên tham gia tố tụng có đề nghị, kiến nghị gì về nội dung này không?
Ông Phan Văn Vĩnh xin từ chối công bố bản án lên cổng thông tin của tòa. HĐXX đã chấp thuận đề nghị này của ông Vĩnh do đây là quyền của bị cáo được quy định trong luật.
“Với đề nghị này của bị cáo Phan Văn Vĩnh, HĐXX không cần hỏi thêm các bị cáo khác cùng về câu hỏi này vì chỉ cần 1 bị cáo đề nghị là bản án đương nhiên không được đưa lên công khai”, nữ chủ tọa nêu rõ.
Trước đó, khi HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước, cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh tỏ ra khá bối rối dẫn đến việc trả lời nhầm lẫn một số câu hỏi.
Cụ thể là ông Vĩnh trả lời có chút nhầm lẫn về năm sinh của con đầu và năm bị bắt. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi lại thì bị cáo đã đính chính lại thời gian chính xác.
Nhiều luật sư xin vắng mặt một số buổi
Cũng trong phần thủ tục, rất nhiều luật sư của các bị cáo đã lần lượt kiến nghị lên HĐXX nhằm đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho luật sư và cho thân chủ. Nhiều luật sư ý kiến, do phiên tòa kéo dài trong nhiều ngày nên luật sư kiến nghị HĐXX đưa ra lịch xét hỏi cụ thể và cho phép luật sư được vắng mặt khi HĐXX chưa hỏi đến thân chủ của mình.
Về vấn đề này, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương đã đồng ý và yêu cầu các luật sư có đơn xin vắng mặt nếu cảm thấy không cần thiết phải ngồi lại phiên tòa khi HĐXX chưa xét hỏi thân chủ của họ.
Trong thủ tục đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử và xét hỏi nhân thân các bị cáo buổi sáng nay, nội dung này đã được nhắc đến. Do vậy, các luật sư cũng đề nghị buổi chiều nay, trong phần đọc bản cáo trạng dài 235 trang, để tiết kiệm thời gian, Viện Kiểm sát nên cắt phần lý lịch của 92 bị cáo.
Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị cho phép bị cáo được ngồi trong thời gian đại diện Viện Kiểm sát đọc bản cáo trạng. HĐXX khẳng định sẽ tạo điều kiện tối đa cho các luật sư và các bị cáo.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh) kiến nghị cho thân chủ của mình được ngồi trong quá trình xét xử, trừ trường hợp đứng trước bục khai báo trả lời thẩm vấn.
HĐXX cho biết, TAND tỉnh Phú Thọ đã bố trí sẵn đội ngũ nhân viên y tế túc trực bên ngoài phòng xử.
Xem thêm: Xét xử ông Phan Văn Vĩnh: Những bóng hồng "e ấp" ngày hầu tòa