“Bị cáo tái khẳng định mình đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình”
Ngày 26/6, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 4 đồng phạm khác.
Trả lời đại diện VKS, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng, do tình hình hoạt động của ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - sau này là ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB và nay là ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CB) hết sức khó khăn nên NHNN đã triển khai nhiệm vụ tổ chức tái cơ cấu ngân hàng, thành lập ngay tổ giám sát để ngăn chặn sự đổ vỡ của ngân hàng.
VKS cho rằng với trách nhiệm ban chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu, chỉ đạo tổ giám sát mà bị cáo để cho VNCB dùng ngân hàng này thao túng, gây hậu quả 15.000 tỷ đồng, bị cáo Bình nói rằng mình đã làm đúng, đầy đủ trách nhiệm.
Bị cáo Bình cho biết, ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo chung về tái cơ cấu. Thực hiện nhiệm vụ của mình, ban chỉ đạo không có quyết định cụ thể về tái cơ cấu. Những nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền về cơ quan thanh tra.
“Tôi thấy căn cứ trên các quy định thì tôi đã thực hiện đầy đủ, đúng và tuân thủ ý kiến chỉ đạo, nếu căn cứ trên các quy định pháp luật thì tôi thấy cáo trạng truy tố chưa đúng. Trong quá trình chỉ đạo và tham gia chỉ đạo tái cơ cấu thì tôi đã làm đúng. Việc tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, khó khăn, phải xin ý kiến của Thống đốc, đưa ra tập thể lấy ý kiến. Bị cáo khẳng định rằng không bao giờ tự mình quyết định những vấn đề quan trọng”, bị cáo Bình nói.
VKS hỏi trách nhiệm của bị cáo trong việc gây thất thoát 15.000 tỷ tại VNCB. Bị cáo cho rằng những vi phạm của ngân hàng VNCB có liên quan đến việc chấp hành quy định hoạt động an toàn ngân hàng. Có 3 đơn vị liên quan đó là tổ giám sát, NHNN Long An, cơ quan thanh tra giám sát. Bị cáo có trách nhiệm chỉ đạo chung, không chịu trách nhiệm quyết định cụ thể trừ trường hợp có sự chỉ đạo của cơ quan thanh tra giám sát NHNN.
“Bị cáo nhận thấy mình đã làm đầy đủ, kịp thời trách nhiệm của mình trong công tác chỉ đạo thanh tra giám sát, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém. Những vấn đề vượt thẩm quyền của bị cáo sẽ được xin ý kiến, báo cáo với lãnh đạo NHNN”, bị cáo Bình khẳng định.
Bị cáo Bình khai cũng có nhận tờ trình kiến nghị tái cơ cấu ngân hàng VNCB như thành lập mới ngân hàng. Đồng thời có bút phê về việc đồng ý góp vốn, yêu cầu nhà đầu tư mới không được góp vốn bằng vốn vay, vốn huy động và vốn ủy thác. Tuy nhiên trong tờ trình 1340 không đề cập đến việc cơ quan quản lý phải kiểm tra khoản góp vốn này mà việc kiểm tra sẽ thực hiện sau khi góp vốn.
Cũng theo bị cáo Đặng Thanh Bình, cơ quan thanh tra NHNN đã đánh giá rất đủ về năng lực tài chính, tình hình hoạt động ngân hàng. Ban chỉ đạo không có thẩm quyền quyết định hay không về việc tái cơ cấu ngân hàng. Các quyết định của bị cáo ký không gây ra hậu quả đối với ngân hàng.
Là người ký Quyết định 12, bị cáo Đặng Thanh Bình cho rằng việc thành lập tổ giám sát rất kịp thời và sáng suốt. Quyền lực Quyết định 12 thể hiện mối quan hệ giữa tổ giám sát và chi nhánh NHNN Long An. “Bị cáo tái khẳng định mình đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình”, bị cáo Bình nói.
Cuối ngày kiểm tra mới phát hiện được biến động dòng tiền nên trở tay không kịp
Cũng giống bị cáo Bình, bị cáo Ngô Văn Thanh cũng cho rằng mình không phạm tội, nhưng lại thừa nhận có một phần trách nhiệm. Do đó, khi vụ án chưa được đưa ra xét xử, bị cáo Ngô Văn Thanh đã có đơn khiếu nại kêu oan vì cho rằng cáo trạng quy buộc phải chịu trách nhiệm liên quan đối với hậu quả gây thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng là chưa đúng.
Bị cáo Ngô Văn Thanh cho rằng, theo trách nhiệm được phân công thì ông chỉ có quyền xem xét dòng tiền đi ra khỏi ngân hàng hay không, còn vấn đề theo dõi, giám sát dòng tiền thì người khác trong tổ chịu trách nhiệm. Mỗi thành viên tổ giám sát đều có trách nhiệm riêng biệt, mỗi người xử lý mỗi khâu chứ không phải bị cáo chịu trách nhiệm toàn bộ.
Đại diện VKS nhìn nhận các cơ quan chức năng cũng thấy được lãnh đạo VNCB thực hiện hành vi tinh vi, thực hiện giao dịch công khai, trắng trợn. Lý giải về vấn đề này, bị cáo Ngô Văn Thanh cho rằng, khi lên hệ thống kiểm tra vào cuối ngày, bị cáo mới thấy được biến động dòng tiền, lúc này tiền đã ra khỏi ngân hàng nên không thể kịp trở tay. Để khắc phục điều này, tổ giám sát đã hàng chục lần ra văn bản kiến nghị, khắc phục, chấn chỉnh và thu hồi tiền.
Một bị cáo khác là Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Thanh tra NHNN chi nhánh Long An, Tổ trưởng tổ giám sát) khi trả lời các câu hỏi của đại diện VKS đã bật khóc trước bục khai báo. Theo bị cáo này, bị cáo nhìn nhận trong vụ án một phần do bị cáo thiếu trách nhiệm nhưng cũng có một số nguyên nhân khách quan.
“Khi nhận nhiệm vụ mỗi thành viên tổ đều nghiên cứu rất kỹ Quyết định 12, tuy nhiên, chưa có hướng dẫn nào nói phải làm như thế nào tại đơn vị giám sát. Có những cái không phù hợp với tổ giám sát, chúng tôi chỉ giám sát theo các quy định của ngành ngân hàng, do đó chỉ giám sát thông qua kết quả báo cáo chứ không thể thanh tra, giám sát tại đơn vị. Bên cạnh đó, khoảng cách địa lý, thời gian đi lại rất nhiều, các bị cáo làm việc ở Long An nhưng nơi tổ làm việc lại đặt ở TP.HCM nên ảnh hưởng chất lượng đến công việc”, bị cáo Lê Văn Thanh giải thích.
Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi…