Một diễn biến khác của phiên xét xử phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) theo đơn kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT PVN và đồng phạm.
“Đã cảnh báo về HĐ 33, nhưng bị ép phải làm” - Đó là lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2).
Bị tòa sơ thẩm xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (tội Cố ý làm trái); buộc phải liên đới bồi thường khoản thiệt hại 119,804 tỷ đồng cho PVN, theo phân kỳ, bị cáo Chương phải bồi thường 2,360 tỷ đồng. Với phán quyết trên, bị cáo Chương vẫn có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường.
Lý do xin giảm nhẹ được bị cáo Chương trình bày, trong vụ án này, hành vi của bị cáo rất mờ nhạt, bị cáo nhiều lần có văn bản cảnh báo lãnh đạo PVN về những sai phạm trong Hợp đồng EPC số 33 (HĐ số 33) do PVC ký với chủ đầu tư là PV Power. “Bị cáo phát hiện HĐ số 33 có vấn đề, điều kiện tạm ứng trái với Nghị định 48 của Chính phủ, cần làm lại, tuy nhiên bị cáo vẫn bị ép phải thực hiện việc chuyển tiền cho tổng thầu PVC... Trong các công văn của lãnh đạo, yêu cầu bị cáo chuyển tiền ngay trong ngày, vì tính quyết liệt của lãnh đạo, bị cáo phải thực hiện. Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã tích cực thu hồi, kính mong HĐXX xem xét tới mức độ, tính chất, hành vi phạm tội để giảm nhẹ cho bị cáo”, bị cáo Chương trình bày.
Ngoài việc khai ra trong các công văn lãnh đạo PVN gửi xuống do Nguyễn Xuân Sơn ký đều yêu cầu bị cáo Chương phải chuyển tiền ngay trong ngày và đẩy nhanh tiến độ dự án thì Vũ Hồng Chương liên tục ôm ngực tỏ ra mệt mỏi: “Còn những ai chỉ đạo bị cáo nữa, vì lâu ngày quá bị cáo không nhớ, bị cáo đã khai hết trong hồ sơ vụ án, bị cáo mệt quá rồi không nói được nữa”.
Lần lượt các bị cáo khác cũng được đứng lên trình bày. Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC kháng cáo cả về phần hình phạt và dân sự. Trước đó, trong đơn kháng cáo, bị cáo Quý xin giảm nhẹ hình phạt để sớm được trở về.
Theo bị cáo Quý thì hành vi của bị cáo chỉ là vô tình chứ không Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng như tội trạng mà tòa sơ thẩm tuyên buộc. “Bị cáo cũng có tội nhưng chỉ là vô tình chứ không cố ý, xin giảm nhẹ hình phạt. Về phần dân sự bị cáo thấy oan, xin tòa phúc thẩm xem xét”, bị cáo Quý nói.
Bị cáo Quý cùng trình bày rằng không biết HĐ số 33 chưa đủ căn cứ pháp lý, chưa đủ các điều khoản thanh toán, chỉ đến khi được cơ quan điều tra chỉ ra bị cáo mới biết. “Thời điểm đó bị cáo chưa biết sai, bị cáo về nghỉ hưu 4 năm sau mới biết sai. Giờ bảo sai ở đâu, bị cáo cũng chưa biết. Bị cáo cho rằng mình không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước mà phạm tội khác, còn tội gì bị cáo cũng không biết”, Nguyễn Ngọc Quý nói.
Tiếp đến, bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng ban Tài chính, Kế toán và Kiểm toán PVN bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội Cố ý làm trái, buộc bồi thường 6 tỷ đồng cho PVN. Giữ nguyên nội dung kháng cáo, bị cáo Quỳnh xin giảm hình phạt và giảm bồi thường thiệt hại.
Lý do Ninh Văn Quỳnh xin giảm hình phạt vì nhận thức rằng HĐ số 33 tại thời điểm đó “đúng quy định pháp luật, chỉ có một số khiếm khuyết cần bổ sung, bao gồm các điều khoản về thanh toán”. “Bị cáo là người làm về tài chính nên không nắm được việc Hợp đồng thiếu hồ sơ yêu cầu, hồ sơ đề xuất”, Ninh Văn Quỳnh khai tại tòa.
Ngoài ra, Ninh Văn Quỳnh cũng cho biết hiện nay sức khỏe yếu, bị cáo có tiền sử bệnh tiểu đường hơn 10 năm nên xin được giảm hình phạt.
Hôm nay, vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.