Chiều 9/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên xét hỏi đối với các bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trước đó, tại phiên tòa, đại diện PVPower và PVC khẳng định đã gửi cho TGĐ PVN Phùng Đình Thực 4 văn bản để yêu cầu bổ sung các yếu tố cần thiết cho Hợp đồng EPC số 33, nếu không hợp đồng sẽ không đủ tính pháp lý. Cụ thể, PVPower, chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gửi 3 công văn số 3492, 364, và 3769; đơn vị tổng thầu thi công dự án là PVC gửi 1 công văn số 641. Tuy nhiên ông Phùng Đình Thực khẳng định chưa từng nhận được 4 văn bản này.
HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Phùng Đình Thực: “Hôm qua bị cáo có nêu với tư cách TGĐ PVN, những văn bản mà cơ quan điều tra làm căn cứ quy kết bị cáo thì bị cáo không nhận được, bị cáo hãy xác nhận lại một lần nữa?”.
Bị cáo Thực khẳng định chưa nhận được: “Có những báo cáo của PVC và PVPower gửi cho bị cáo về dự án NMNĐ Thái Bình 2, bị cáo đều không nhận được”.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo cũng như đề nghị của luật sư và VKS, cần thiết phải triệu tập ông Hồ Công Kỳ (nguyên Chánh văn phòng PVN giai đoạn 2010-2011) để đối chất liên quan đến quy trình gửi văn bản đến và đi tới các bộ phận chuyên môn. Chiều nay, ông Hồ Công Kỳ đã có mặt tại tòa theo giấy triệu tập.
Ông Hồ Công Kỳ cho biết, hiện là Chủ tịch HĐTV của PVPower. Trước đó, ông Kỳ giữ chức vụ Chánh văn phòng PVN từ tháng 11/2010 – 4/2013. Chức năng, nhiệm vụ của văn phòng tập đoàn là tiếp nhận và phân phối công văn đi và đến theo quy chế quản lý văn thư lưu trữ của tập đoàn, và theo quyết định phân công của HĐQT, Ban TGĐ tập đoàn.
Tuy nhiên, để thực hiện chức năng nhiệm vụ của văn phòng, ông Kỳ đã phân công cho cấp phó của mình là ông Khương Văn Đạt trực tiếp phụ trách công tác văn thư lưu trữ và phân phối công văn của tập đoàn.
Mặc dù không được triệu tập, ông Khương Văn Đạt cũng đã có mặt tại phiên tòa, vì vậy, để làm rõ nội dung này, HĐXX tiến hành hỏi ông Khương Văn Đạt, hiện đang giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng PVN.
Ông Đạt cho biết, việc chuyển giao văn bản đến thành viên HĐQT, đến TGĐ, tập đoàn đều có quy định cách thức chuyển văn bản, có phân công nhiệm vụ của TGĐ, tùy theo trường hợp cụ thể sẽ được chuyển theo địa chỉ ghi trong văn bản. Cách chuyển phụ thuộc cụ thể vào văn bản, bản cứng thì sẽ được chuyển cả bản cứng và bản mềm.
Cụ thể, liên quan đến 4 văn bản nêu ở trên, bị cáo Thực khai là không nhận được, tòa hỏi ông Đạt là có căn cứ nào để biết được bị cáo Thực có nhận được hay không? Ông Đạt cho biết, việc này cũng dễ dàng kiểm tra được trên hệ thống của văn phòng. “Đối với từng văn bản phải kiểm tra trên hệ thống và có note là đã gửi đến ai”, ông Đạt khẳng định có thể trích xuất được trên máy.
Cùng nội dung này, tòa sẽ xem xét và yêu cầu bên văn phòng tập đoàn trích xuất, đồng thời hỏi bị cáo Thực: “Bị cáo Thực đã nghe rõ trình bày của văn phòng chưa? Bị cáo khẳng định lại một lần nữa là bị cáo có kêu oan không?”. Bị cáo Thực vẫn khẳng định là không nhận được các văn bản trên. Bị cáo Thực nói thêm: “Nhìn nhận lại khi tập đoàn xảy ra sự việc lớn như vậy, các lãnh đạo của tập đoàn vướng vòng lao lý, bị cáo thấy có một phần trách nhiệm, trách nhiệm đến đâu mong tòa xem xét, nhưng bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái”.
Tương tự như bị cáo Thực, trong phần thẩm vấn, bị cáo Đinh La Thăng cũng trình bày có những văn bản cấp dưới chuyển lên bị cáo chưa nhận được. Lý do là trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT PVN, bị cáo Thăng thường xuyên đi công tác, đến công trình cơ sở nên ủy quyền cho các ủy viên HĐTV. Tuy nhiên, có những văn bản bị cáo nhận được sẽ trực tiếp xử lý, sau đó sẽ có bút phê và chuyển cho những người phụ trách trực tiếp xử lý.