Hai bị cáo là Nguyễn Văn Lẫm (59 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết) và vợ Phạm Thị Quyết (54 tuổi, tại Tp.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ Luật Hình sự.
Trước đó, ngày 1/12, do có 1 bị cáo là F1 (có quyết định thực hiện cách ly tại nơi cư trú của Chủ tịch UBND phường Trần Lãm, Tp.Thái Bình) nên phiên tòa phải hoãn xét xử so với kế hoạch dự kiến và dời lại vào ngày hôm nay.
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa hôm nay là bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Có 11 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho 2 bị cáo, tại phiên tòa hôm nay 8 luật sư có mặt, 3 luật sư vắng mặt.
Trong phần thủ tục mở đầu phiên xét xử, 2 bị cáo và luật sư Trần Hồng Lĩnh đều kiến nghị hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án.
Đặc biệt, những người này đề nghị thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và 1 kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa vì "không đảm bảo khách quan, công tâm"; trong trường hợp vẫn xét xử, các bị cáo yêu cầu tòa triệu tập thêm 1 số điều tra viên, kiểm sát viên, lãnh đạo Công an Tp.Thái Bình và một số người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hôm nay.
Sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị của những người liên quan, Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành hội ý, ra quyết định hoãn phiên tòa, ấn định thời gian xét xử lại vào ngày 28/12. Lý do bởi sự vắng mặt của 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Phạm Công Tự (trú Tp.Thái Bình) có thể ảnh hưởng đến nội dung, bản chất vụ án.
Nội dung cáo trạng xác định từ năm 2012 đến khi bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 12/4/2018, Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết đã vay của 12 người cùng Vietcombank chi nhánh Thái Bình gần 21 tỉ đồng.
Trong tổng số nợ này, có hai khoản vay gồm 400 triệu và 500 triệu đồng của vợ chồng ông Đỗ Văn Tới, bà Lê Thị Tuyết (cùng trú tại Tp.Thái Bình). Vợ chồng bị can Lẫm có thế chấp bằng chiếc ôtô Camry nhưng sau đó tự ý bán chiếc ôtô này cho người khác khi chưa hoàn trả tiền vay.
Khi bị ông Tới đòi nợ, bị can Lẫm, Quyết khất lần và tạo dựng ra việc đã trả tiền cho ông Tới bằng hình thức viết giấy biên nhận nhưng đã bị thất lạc trong quá trình Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") cùng đàn em đến xâm phạm, chiếm đóng trụ sở Công ty Lâm Quyết đặt tại xã Vũ Chính, Tp.Thái Bình.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cho rằng hành vi của bị can Lẫm và Quyết là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của vợ chồng ông Tới. Do đó, cơ quan tố tụng giữ nguyên quan điểm truy tố, xét xử đối với 2 bị cáo này giống như bản kết luận điều tra đã ban hành lần đầu.
Trước đó, ngày 12/4/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Tp.Thái Bình đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Đến ngày 21/5/2018, Viện Kiểm sát nhân dân Tp.Thái Bình ra quyết định chuyển vụ án để Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình điều tra theo thẩm quyền. Ngày 12/6/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt hai bị cáo Lẫm, Quyết tổng cộng 27 năm tù giam về tội "lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản".
Ngày 11/5/2020, gần một tháng sau khi băng nhóm xã hội đen tại Thái Bình do Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") cầm đầu bị triệt phá, tại phiên xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại toàn bộ vụ án.
Bị can Lẫm và Quyết đồng thời cũng được Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội áp dụng thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam thành bảo lãnh, cấm đi khỏi nơi cư trú sau gần 2 năm bị tạm giam.
Ngày 27/5/2020, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình ra quyết định trả hồ sơ để Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình điều tra lại vụ án theo thẩm quyền.
Tuệ Minh (tổng hợp theo VTC News, Lao động, Tuổi trẻ)