Trước đó, vụ án đã được đưa ra xét xử vào hồi đầu tháng 1, tuy nhiên quá trình mở tòa, HĐXX xét thấy cần thiết phải xem xét tới vai trò liên quan của một nhân vật tên Nguyễn Hữu Long.
Theo hồ sơ vụ án, Long là một trong những chủ sở hữu quán karaoke nơi xảy ra vụ cháy. Anh ta cũng là người thuê thợ để thi công phần cách âm của cơ sở kinh doanh này. Do vậy, chủ tọa phiên tòa tuyên bố hoãn phiên tòa để trả hồ sơ điều tra bổ sung, xem xét vai trò liên quan của Nguyễn Hữu Long.
Ngoài ra, phiên xét xử sơ thẩm buộc phải trì hoãn do chủ sở hữu các công trình liền kề với quán karaoke yêu cầu xác định lại mức độ thiệt hại, xem xét bồi thường. Luật sư cũng đề nghị HĐXX triệu tập UBND quận Cầu Giấy, Phòng cảnh sát PCCC số 3 tham gia xét xử với tư cách là người liên quan.
Cũng theo thông tin mới nhận được, về phía gia đình các bị hại đều có chung mong muốn phiên tòa xét xử vụ án này một cách công tâm, vô tư, khách quan, không bỏ lọt tội phạm cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại, buộc các bị cáo phải bồi hoàn thiệt hại đúng với quy định của pháp luật.
Được biết, hầu hết các bị hại trong vụ án này đều là những cán bộ nguồn của các tỉnh trên địa bàn miền Bắc, một bị hại là người miền Trung, họ đều là trụ cột chính trong gia đình. Sau vụ tai nạn, bỗng chốc mất đi người thân khiến thân nhân những người xấu số không khỏi suy sụp; có người vì suy nghĩ nhiều, đổ bệnh mà chết theo con khiến không khí trong gia đình càng thêm tang thương, kinh tế suy sụp.
Phía bị hại cũng cho biết, họ đã chờ đợi phiên tòa này từ rất lâu và mong muốn vụ án sớm kết thúc, hạn chế việc theo kiện nhiều ngày càng khiến người ở lại thêm mệt mỏi và cũng để yên lòng người đã khuất.
Ngoài ra, trong tâm trạng bức xúc, nhiều gia đình bị hại cho biết, có bị cáo đến thắp nén nhang cho người đã mất nhưng là theo tinh thần chiếu lệ, không thực tâm; có bị cáo không trực tiếp đến mà nhờ những người không liên quan đến thắp hương.
Nhiều gia đình bị hại biết được thông tin có bị cáo đã nộp tiền để khắc phục một phần hậu quả cho nạn nhân, song những gia đình này chưa hề nhận được bất kỳ một đồng bồi thường nào.
Nhưng quan trọng hơn hết, điều họ mong muốn lúc này chính là cần sự hỏi thăm, quan tâm, chia sẻ từ phía các bị cáo thì chưa có. Do vậy, gia đình các bị hại mong muốn tòa cấp sơ thẩm xét xử vụ án vô tư, khách quan, trả lại công bằng cho người đã mất.
Theo cáo trạng, sáng 1/11/2016, Lê Thị Thì (56 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được thuê tới hàn các khung sắt ở trần để ốp gỗ tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông với giá 500.000 đồng.
Chiều cùng ngày, Thì cùng Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, quê quán xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) và một nhân viên khác mang theo máy hàn điện, máy cắt… tới quán karaoke trên làm việc. Tuấn lấy máy hàn, cắm điện, thổi lửa vào bản lề cửa ra vào tầng 2 để cắt bản lề.
Trong quá trình làm, Tuấn không sử dụng các dụng cụ che chắn, bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến lửa vảy hàn bắn vào phần ốp cách âm, gây cháy.
Phát hiện có khói, Tuấn dùng tay dập lửa rồi hô hoán mọi người đến ứng cứu. Nhưng do lửa bắt nhanh nên để xảy ra hậu quả 13 người khách bị thiệt mạng khi đang hát tại quán. Cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ quán karaoke số 68 Trần Thái Tông và mặt tiền 3 căn nhà gần đó.
Cơ quan chức năng xác định bị cáo Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) - chủ quán phải chịu trách nhiệm chính. Trong hồ sơ cũng thể hiện, Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn nhưng không có chứng chỉ về thợ hàn, chưa được huấn luyện về an toàn lao động, không có biện pháp PCCC… Còn bị cáo Thì là chủ sử dụng lao động của Tuấn, trực tiếp có mặt tại nơi xảy ra hỏa hoạn cũng phải chịu trách nhiệm.