Ngày 15/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan tới Dự án giãn dân phố cổ đối với các bị cáo Nguyễn Quốc Xương (SN 1958, trú tại Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Phó Tổng giám đốc công ty Hồng Hà; Nguyễn Đức Thắng (SN 1950, trú tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) và Nguyễn Đức Lợi (SN 1955, trú tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội), nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần phát triển kinh tế Hà Nội (gọi tắt là công ty Hà Nội).
Kết thúc phần xét hỏi, chiều nay, VKS đã đưa ra quan điểm luận tội của mình đối với các bị cáo. Theo đó, VKS xét thấy có đủ cơ sở xác định các bị can Trần Ứng Thanh, nguyên Tổng giám đốc công ty Hồng Hà (đã chết); Nguyễn Đức Thắng; Nguyễn Đức Lợi và Nguyễn Quốc Xương đã có hành vi gian dối ngay từ đầu để nhận được các quyết định số 3465/QĐ-UBND ngày 05/11/2009; số 1917/QĐ-UBND và công văn số 592/UBND-KT ngày 23/8/2010 của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khi đã có những quyết định và công văn nêu trên, các bị can đã lợi dụng và lấy danh nghĩa công ty lừa dối khách hàng có nhu cầu mua căn hộ để ký kết hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng góp vốn, đặt cọc với 146 lượt người, thu số tiền là hơn 169 tỷ đồng rồi chiếm đoạt và sử dụng trái pháp luật. Các bị cáo mới trả được hơn 32 tỷ đồng, số tiền còn lại không có khả năng thanh toán nên bỏ trốn.
Đánh giá vai trò của các bị can trong vụ án này, VKS nhận định: Trần Ứng Thanh là người quyết định toàn bộ việc ký hợp đồng mua bán các căn hộ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng đặt cọc với khách hàng. Ngoài việc ủy quyền cho Nguyễn Quốc Xương ký các hợp đồng này, Thanh còn trực tiếp ký với 52 lượt người có nhu cầu mua bán căn hộ, số tiền là hơn 43 tỷ đồng. Trần Ứng Thanh còn là người ký duyệt tạm ứng, sử dụng toàn bộ số tiền của các khách hàng là hơn 161 tỷ đồng. Do vậy, Thanh là người phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của khách hàng và chịu trách nhiệm chính trong vụ án này. Tuy nhiên, ngày 22/11/2016, phạm nhân Trần Ứng Thanh đã chết khi đang chấp hành hình phạt tù.
Đối với Nguyễn Quốc Xương là người thực hiện theo sự chỉ đạo của Trần Ứng Thanh, đã ký 92 hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng góp vốn, đặt cọc với khách hàng số tiền hơn 117 tỷ đồng nên Xương phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền này. Ngoài ra, Nguyễn Quốc Xương trực tiếp tạm ứng số tiền gần 6 tỷ đồng, hiện còn hơn 1,4 tỷ đồng chưa hoàn ứng và cũng không chứng minh được việc chi tiêu hợp pháp cho công ty. Nên buộc Xương phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Đức Lợi là người giới thiệu, môi giới để công ty Hồng Hà nhận được Quyết định 1917 và công văn số 592 của UBND quận Hoàn Kiếm.
Thắng được Thanh ký hợp đồng khoán việc và hứa sẽ cho Thắng và công ty Hà Nội hưởng 2% trên tổng giá trị công trình khu giãn dân phố cổ Hà Nội.
Không những thế, Thắng còn được Thanh bổ nhiệm làm Phó ban quản lý dự án. Thắng biết công ty Hồng Hà không triển khai bất kỳ việc gì mà chỉ đi thu tiền của dân nhưng Thắng đã ứng và nhận của công ty số tiền hơn 82 tỷ đồng. Đến nay, chưa hoàn ứng lại và không chứng minh được việc chi tiêu hợp pháp cho công ty Hồng Hà nên Thắng phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền trên.
Về phần Nguyễn Đức Lợi, mặc dù công ty Hà Nội đã chuyển giao nhiệm vụ thu xếp vốn và chuẩn bị đầu tư xây dựng khu giãn dân phố cổ cho công ty Hồng Hà nhưng Nguyễn Đức Lợi vẫn ký 02 hợp đồng huy động vốn với khách hàng và nhận tạm ứng của công ty Hồng Hà. Tổng số tiền buộc Nguyễn Đức Lợi phải bồi thường là hơn 15 tỷ đồng.
Do vậy, VKS truy tố các bị cáo phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật. Theo đó, VKS đưa ra mức án đề nghị với các bị cáo như sau: Nguyễn Quốc Xương bị đề nghị mức án từ 13 - 15 năm tù; Nguyễn Đức Thắng bị đề nghị tù chung thân và Nguyễn Đức Lợi bị đề nghị từ 18 - 20 năm tù.