>> Tóm tắt phiên xử ngày 21/8: Hơn 700 bị hại trong phiên xử giám đốc người Đài Loan lừa đảo
Niềm tin đặt nhầm chỗ
Trong tâm trạng mệt mỏi vì theo kiện, bà N.T. tâm sự với PV báo Người Đưa Tin: “Vợ chồng tôi già cả, mắt mờ, chân chậm, cả đời dành dụm được một khoản tiền lớn từ việc bán đất. Chúng tôi đang tính chuyện cho con cái chút vốn làm ăn thì xảy ra cơ sự này”.
Theo lời kể của bà N.T., chồng bà có một người bạn thân. Con trai người bạn của chồng bà làm phiên dịch tại công ty Khải Thái.
“Do tin tưởng vào sự tư vấn của con trai người bạn, vợ chồng và con tôi đã ký 3 hợp đồng ủy thác, gửi hơn 1 tỷ đồng vào công ty Khải Thái mong hưởng lãi suất cao từ 3-3,5%/tháng. Tiền lãi chẳng thấy đâu, giờ muốn đòi lại tiền gốc cũng khó”, bà N.T giọng thều thào.
Nhìn sang chồng bà N.T., trông ông tiều tụy đến thương cảm. Tóc bạc phơ, người gầy guộc, bà N.T nói: “Chồng bà vì lo nghĩ nhiều nên bị tăng xông, sống chẳng được bao lâu nữa. Giờ ông không có tiền chữa bệnh".
Một nạn nhân khác là bà Nguyễn Thị M.. Khi trả lời HĐXX bà cho hay: “Tôi được một người tên Chung tư vấn đầu tư tiền vào công ty Khải Thái. Kiểu gì cũng có lãi, tội vạ đâu anh ta chịu. Nghe bùi tai, tôi đầu tư vào công ty 100 triệu (trong đó 80 triệu đồng là tiền tiết kiệm của gia đình, cộng thêm 20 triệu đi vay nóng của bạn bè). Tôi lấy được tiền lãi 3 tháng là 14 triệu đồng, hiện còn lại 86 triệu đồng”.
Một người đàn ông đứng tuổi khác nói: “Tôi biết công ty này cũng được một thời gian khá lâu, trước khi quyết định đầu tư, tôi đã đến công ty tìm hiểu thì thấy môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, các bảng tin điện tử quảng cáo, liên kết với công ty nước ngoài hoành tráng. Do tin tưởng nên tôi cũng đầu tư vào đây mấy trăm triệu, nào ngờ niềm tin của mình đã đặt nhầm chỗ”.
Bị hại lớn tuổi nhất là một cụ bà tóc trắng như cước. Để đến dự phiên tòa, bà một tay chống ba-toong, một tay vịn cầu thang bước từng bước chậm chạp lên hội trường tầng 2 nghe xử án.
Bà cho hay: “Vốn liếng cả đời dành dụm được hơn 1,6 tỷ, tôi gửi ủy thác đầu tư vào công ty Khải Thái. Tôi tin tưởng vào bản hợp đồng cùng dấu đỏ, lại thấy nhiều người đầu tư, nào ngờ tiền lãi chưa thấy đâu, giờ đến tiền mua thuốc cũng không có”.
Nhiều ông chủ đứng đằng sau Khải Thái
Ra tòa, mọi người mới “tá hỏa” khi đằng sau Khải Thái không chỉ có mình “ông chủ” là Hsu Ming Jung (còn gọi là Saga) mà còn có tới hai “ông chủ” khác.
Khải Thái được thành lập đăng ký lần đầu vào ngày 10/11/2011 do sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội cấp, là loại hình công ty TNHH một thành viên, có vốn điều lệ 20 tỷ đồng.
Người đứng ra thành lập là Hsu Ming Jung (SN 1975, còn gọi là Saga, quốc tịch Đài Loan). Tuy nhiên, Saga không đứng tên trong bất cứ vị trí nào của công ty mà thuê các giám đốc là người Việt Nam.
Trong thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 9/2014, các bị cáo đã đưa ra các thông tin gian dối, tạo lòng tin cho khách hàng Việt Nam về hoạt động của công ty Khải Thái.
Saga cùng đồng bọn dùng nhiều hình thức quảng cáo không đúng sự thật để tư vấn đối với 717 khách hàng thông qua việc ký hợp đồng ủy thác đầu tư để thu số tiền hơn 280 tỷ. Khải Thái đã trả lãi được hơn 17 tỷ, còn lại chiếm đoạt của 717 khách hàng số tiền hơn 264 tỷ đồng.
Các bị cáo người Việt Nam, nguyên là các Giám đốc chi nhánh và nguyên Kế toán trưởng của công ty Khải Thái đều thừa nhận “ông chủ” là Saga. Tuy không giữ chức vụ gì nhưng chính Saga là người đứng đằng sau chỉ đạo, điều hành công ty dưới sự trợ giúp đắc lực của người phiên dịch Phan Kiện Trung (cũng là bị cáo trong vụ án này).
Tuy nhiên, quá trình thẩm vấn, Saga khai nhận: Việc thành lập công ty Khải Thái tại Việt Nam là theo sự chỉ đạo của Liu Jian Fu (Lưu Kiến Phúc) – Phúc là cổ đông của công ty Fuxing ở Đài Loan.
Saga khai thêm, em trai của Phúc là Lưu Kiến Toàn cũng thay Phúc nhiều lần sang Việt Nam để kiểm tra, quản lý, kiện toàn công ty. Tuy nhiên, cả ba đối tượng này đều chỉ đứng đằng sau chứ không giữ chức vụ gì.
Về số tiền thu được của khách hàng, Saga chuyển tiền về Đài Loan vào các tài khoản do “ông chủ” Phúc thông báo.
Thiên Long - Thúy An