Làm rõ ngày bắt giữ Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân
Lúc 9h ngày 5/3, phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát tiến hành thẩm tra lý lịch các bị cáo.
Bị cáo Trương Mỹ Lan đứng tại bục khai báo. Trước khi thực hiện các hành vi phạm tội, bị cáo Lan là Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trú tại 57 Nguyễn Huệ phường Bến Nghé (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Trình độ học vấn của bị cáo Trương Mỹ Lan là 12/12.
Đứng trước bục khai cáo, bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời mạch lạc, rõ ràng về thông tin nhân thân trong trạng thái sức khỏe tốt, tinh thần ổn định.
Tuy nhiên, câu hỏi về ngày bị bắt giam thì bị cáo Trương Mỹ Lan bối rối, không nhớ rõ. Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời “lúc 8 giờ rưỡi đêm ngày 6 tháng 10 năm 2022” thì HĐXX “đề nghị viện kiểm sát kiểm tra lại” vì không khớp với cáo trạng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài tư cách bị cáo, Trương Mỹ Lan còn hầu tòa với tư cách bị hại đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Tập đoàn Capella).
Chồng của bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo Chu Lập Cơ bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Video: Lời khai đầu tiên của bị cáo Trương Mỹ Lan trong phiên tòa xét xử Vạn Thịnh Phát.
Tại tòa, bị cáo Chu Lập Cơ nói rằng hôm nay sức khỏe bị cáo ổn. Bị cáo bị bắt ngày 1/11/2022. Trước khi bị bắt, bị cáo làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square.
Bị cáo Chu Lập Cơ cũng tỏ ra bình tĩnh đứng trước bục khai báo. Do bị cáo Chu Lập Cơ không thông thạo tiếng Việt nên phải có phiên dịch viên, phiên dịch lại toàn bộ phần hỏi, trả lời giữa HĐXX và bị cáo này.
Về hành vi bị truy tố của bị cáo Chu Lập Cơ, cáo trạng xác định bị cáo này đã dùng các tài sản Dự án Times Square (Quyền sử dụng đất và tài sản hình thành gắn liền với đất thuê là các Cao ốc phức hợp văn phòng - khách sạn, ở đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi) để thế chấp, bảo lãnh nợ vay cho các tổ chức, cá nhân mà bà Trương Mỹ Lan chỉ định.
Tính đến tháng 10/2022, tổng nghĩa vụ các khoản nợ do Chu Lập Cơ ký hợp thức thủ tục với dư nợ gốc là hơn 19,5 nghìn tỷ đồng, nợ lãi hơn 19, 6 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ là hơn 39,2 nghìn tỷ đồng.
Đứng trên bục khai báo, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bị cáo Trương Mỹ Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai có 1 chồng và 2 con. Bị cáo bị bắt tạm giam vào ngày 7/10/2022, còn hồ sơ thể hiện bị bắt tạm giam vào ngày 8/10/2022.
Trước thông tin chưa trùng khớp, HĐXX đề nghị Viện Kiểm sát kiểm tra lại thông tin ngày bắt tạm giam đối với hai bị cáo Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân.
Vụ án với nhiều “con số khủng”
Trong vụ án, 85 bị cáo còn lại bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng thu giữ gần 600 tỷ đồng và gần 15.000 USD. Trong đó, thu giữ của bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân hơn 7 tỷ đồng; thu giữ của ông Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Greenhill Village; Trần Văn Hùng, nhân viên tòa nhà Sherwood (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) 190.000 USD.
Gia đình các bị cáo Trương Mỹ Lan, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nghị và Trương Huệ Vân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD.
Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng. Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng để khắc phục cho vụ án.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính để huy động vốn, sau đó làm khống hồ sơ rút tiền phục vụ hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Dù không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB, nhưng bằng việc nắm giữ 91,5% cổ phần, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng.
Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2022), Ngân hàng SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1,06 triệu tỷ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm tháng 10/2022 (khi vụ án được khởi tố), nhóm của bị cáo Lan còn gần 1.300 khoản vay, dư nợ tại Ngân hàng SCB hơn 677.000 tỷ đồng nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Sau khi cấn trừ tài sản đảm bảo bị cáo Lan còn chiếm đoạt của Ngân hàng SCB 304.000 tỷ và tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi của bị cáo Lan còn gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 64.600 tỷ đồng giai đoạn năm 2017 về trước.
Bị cáo Chu Lập Cơ đã thống nhất việc sử dụng tài sản quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên của các cá nhân và tổ chức do bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ định.
Từ năm 2009 - 2012, bị cáo Chu Lập Cơ ký các biên bản họp và nghị quyết chấp thuận thế chấp, bảo lãnh cho các khoản vay do vợ chỉ đạo tại Ngân hàng SCB.
Đến năm 2017, do các khoản nợ đến hạn, bị cáo tiếp tục ký biên bản họp đại hội đồng cổ đông của công ty mình để đảm bảo đối với khoản nợ hơn 35,5 nghìn tỷ đồng theo danh sách khách hàng khống của Ngân hàng SCB.
Tại phiên tòa hôm nay có một số bị cáo được xét xử vắng mặt, gồm: bị cáo Đinh Văn Thành, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Nguyễn Thị Thu Sương, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB...
Thành Nhân - Công Thư