Xét xử vụ vỡ ống nước sông Đà: Các bị cáo tự cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm

Xét xử vụ vỡ ống nước sông Đà: Các bị cáo tự cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm

Nguyễn Thị Thúy

Nguyễn Thị Thúy

Thứ 5, 08/03/2018 15:43

Trong phần tự bào chữa, các bị cáo thuộc nhóm các bị cáo trong đoàn tư vấn giám sát tại dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội đều cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm...

Chiều ngày 8/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 - BLHS năm 1999 tiếp tục với phần bào chữa của nhóm các bị cáo trong đoàn tư vấn giám sát tại dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Lần lượt các bị cáo thuộc nhóm này bước lên bục khai báo để tự bào chữa cho mình.

Xét xử vụ vỡ ống nước sông Đà: Các bị cáo tự cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm

Các bị cáo tại tòa

Nguyễn Biên Hùng (SN 1950, nguyên cán bộ công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) tự bào chữa: Với nhiệm vụ là Phó đoàn, mọi hành vi dẫn đến sự phạm tội đã được nêu lên trong bản cáo trạng, nhưng tôi chỉ ký vào công văn giấy tờ nhằm hoàn chỉnh hồ sơ cho bên chủ đầu tư.

“Trong toàn bộ dự án này, chức năng nhiệm vụ của tôi đến đâu thì đã hoàn thành đến đó. Khi công trình được vận hành, chúng tôi đã thấy rất mừng. Khi bị khởi tố, tôi rất đau khổ và không biết chia sẻ như thế nào với các bị cáo khác. Nếu tòa chứng nhận tôi có tội, tôi xin nhận tội”, bị cáo Hùng nói.

Bị cáo Hoàng Quốc Thống (nguyên cán bộ công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) trình bày: Qua những ngày xét xử, bị cáo cảm ơn các giám định viên khi đã công nhận không thể cắt ống ra để thí nghiệm, khi nghiệm thu có các chứng chỉ kèm theo; trong cáo trạng đưa ra 7 chỉ tiêu nhưng thực chất chỉ có 5 chỉ tiêu…

“Tư vấn giám sát đã thực hiện theo đúng quy định đề ra. Chúng tôi thật sự là người có công với dự án này khi mang lại nguồn nước cho dân. Tư vấn giám sát vẫn cho lắp đặt ống cho công trình bởi khi kiểm tra các giấy tờ kèm theo, chúng tôi phải làm theo để kịp tiến độ dự án, đảm bảo cuộc sống mưu sinh; nếu không ký là có tội với dự án. Đây là lý do khách quan mà chúng tôi không thể làm khác được”, bị cáo Thống nói.

Bị cáo Bùi Minh Quân (nguyên PGĐ Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, bộ Xây dựng; nguyên Giám sát viên tại dự án cấp nước sông Đà - Hà Nội) cũng trình bày: Bị cáo đã có 24 năm công tác trong ngành Nước, tham gia thiết kế và giám sát nhiều dự án cấp nước và đây là dự án lớn nhất. Các bị cáo ở đây đều làm việc hết sức trách nhiệm. Dự án có rất nhiều cái mới và đoàn tư vấn giám sát cũng cố gắng làm hết trách nhiệm để mang lại chất lượng tốt nhất.

“Cái gì mới thì không tránh khỏi sai sót, mong HĐXX cân nhắc, xem xét sự việc. Việc vỡ đường ống, các bị cáo ai cũng buồn khi đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn có sự cố xảy ra. Bị cáo là người cuối cùng nhận quyết định khởi tố, đã lường trước được ngày ra tòa; đứng ở đây bị cáo rất đau lòng và chỉ biết kính mong HĐXX cân nhắc lượng hình trong vụ án này”, bị cáo Quân nói.

Trước đó, trong phần luận tội, vị đại diện VKS nêu quan điểm: Giữ vai trò là Trưởng đoàn giám sát, bị cáo Đỗ Đình Trì cùng với các Giám sát viên giám sát thi công xây dựng, lắp đặt tuyến ống truyền tải nước sạch đã ký các biên bản nghiệm thu lắp đặt ống và phụ kiện, các biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành để xác nhận khối lượng thi công, chất lượng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh đã sử dụng lắp đặt, chất lượng bộ phận, hạng mục công trình xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế dự án.

Kết quả điều tra đã xác định trong số ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà Đỗ Đình Trì cùng các đối tượng ở Đoàn tư vấn giám sát cho thi công lắp đặt, ký xác nhận nghiệm thu chất lượng, đã bị 18 lần vỡ ống với tổng số 23 cây ống bị vỡ.

Theo đó, phía VKS đã đề nghị mức án đối với các bị cáo thuộc nhóm này từ 12 tháng tù treo đến 36 tháng tù giam.

Xét xử vụ vỡ ống nước sông Đà: Các bị cáo tự cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm (Hình 2).

Luật sư Lê Ngọc Hà - Trưởng VPLS Đa Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) 

Bào chữa cho cả 4 bị cáo trong đoàn tư vấn giám sát tại dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội, Luật sư Lê Ngọc Hà - Trưởng VPLS Đa Phúc (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng những công việc mà các bị cáo Đỗ Đình Trì, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, Nguyễn Biên Hùng thực hiện trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28/3/2006 hạng mục Tư vấn giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị giữa công ty Nước và Môi trường Việt Nam với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội không cấu thành tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự.

Cũng theo quan điểm của luật sư Hà thì vụ án chưa được làm sáng tỏ, nhiều tình tiết trong vụ án còn mâu thuẫn, hình thức và nội dung của Kết luận giám định tư pháp còn bộc lộ nhiều thiếu sót, sai phạm chưa được khắc phục, vẫn còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; cơ quan điều tra chưa có đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, không chứng minh được động cơ, mục đích phạm tội của cả 4 cán bộ thuộc Đoàn tư vấn giám sát; chưa áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, chưa áp dụng quy định có lợi theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 mà vẫn đề nghị truy tố trước pháp luật đối với 4 cán bộ này.

Theo quan điểm của luật sư Hà thì cơ quan chức năng đã bỏ lọt tội phạm khi không truy cứu TNHS hành vi vi phạm pháp luật của những người có trách nhiệm trong HĐQT tổng công ty Vinaconex, công ty CP tư vấn xây dựng Vinaconex (Vinaconsult) và 1 số đơn vị thi công xây lắp tuyến ống.

Cụ thể, trong vụ án này các thành viên HĐQT tổng công ty Vinaconex bao gồm các ông Nguyễn Văn Tuân, Phí Thái Bình, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chầm là nhóm người có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tổng công ty Vinaconex.

Cũng trong bản bào chữa của mình, luật sư Hà còn trình bày về hoàn cảnh nhân thân của các bị cáo. Cụ thể, các bị cáo đều được sinh ra và lớn lên trong các gia đình giàu truyền thống cách mạng, có nhiều thành tích trong công tác và đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015, Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015 tuyên hành vi đã thực hiện của các bị cáo Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28/3/2006 giữa công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam với Ban quản lý dự án không phải là tội phạm.

Phiên tòa tạm nghỉ, 13 giờ 30 phút chiều mai, HĐXX tiếp tục làm việc.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.