Chiều 5/3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 - BLHS năm 1999 đối với các bị cáo trong vụ làm vỡ đường ống nước Sông Đà, các bị cáo lần lượt đứng lên bục khai báo trả lời thẩm vấn của HĐXX.
Ngoài lời khai của bị cáo Hoàng Thế Trung (nguyên GĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội) khẳng định việc ký hợp đồng 07 chấp nhận chất lượng ống như đã nêu, đối chiếu với bản kết luận giám định, không vi phạm quy định về xây dựng, không vi phạm quy chế cho BQL dự án.
Bị cáo Trung cho rằng cáo trạng có nhiều nội dung chưa đúng: cụ thể, cáo trạng có nêu bị cáo Trung không thực hiện lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm, chưa nghiên cứu cụ thể hợp đồng, ký nghiệm thu 73 biên bản… theo bị cáo là còn bất hợp lý.
Hoàng Thế Trung nói đã làm tròn trách nhiệm của mình nhưng với hậu quả xảy ra, bị cáo chỉ nhận có một phần trách nhiệm. “Với tư cách là người trong BQL dự án, bị cáo đã làm tròn trách nhiệm, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, yêu cầu kỹ thuật…”, bị cáo Trung nói.
Tiếp đến, bị cáo Nguyễn Văn Khải (nguyên PGĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội) nói: Khi được đọc kết luận giám định và hồ sơ, bị cáo cho rằng kết luận giám định chưa thực sự thuyết phục. “Căn cứ theo trách nhiệm của những người trong BQL, đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm về xây dựng, kiểm soát chất lượng ống, bị cáo cùng các bị cáo khác ký các biên bản nghiệm thu, bị cáo khẳng định là không thiếu chỉ tiêu nhưng hồ sơ bên công ty ống cung cấp chỉ đóng dấu của phòng thí nghiệm là chưa hợp chuẩn. Tuy nhiên theo bị cáo, hợp đồng đó không sai”, bị cáo Khải nói.
Bị cáo này cũng cho biết quan điểm cá nhân là chưa chấp nhận việc truy tố như cáo trạng đã nêu, bị cáo nói: “Phải làm rõ kết luận giám định. Khi xảy ra vụ án, bị cáo rất lo. Khi bị khởi tố, bị cáo rất hoang mang vì đã nghỉ làm nên không còn tài liệu để đối chiếu. Mong HĐXX xem xét khách quan tất cả nguyên nhân làm vỡ ống. Ống sợi thủy tinh là ống đầu tiên sử dụng tại Việt Nam, chủ đầu tư, bên thiết kế thi công chưa có kinh nghiệm, nên rất dễ có sự nhầm lần giữa các bên”, bị cáo Khải nói.
Bị cáo Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội) thì cho rằng hồ sơ kèm theo ống phù hợp với quy định của hợp đồng, đối chiếu lại thì có 5 chỉ tiêu trước khi xuất xưởng. Trong hợp đồng mua bán, nghiệm thu có 5 chỉ tiêu. Ống nước này tuân theo Tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950 – 01 và phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong quá trình kiểm tra, thử áp lực, kiểm tra hồ sơ thì thấy chỉ có 5 giấy thí nghiệm.
Bị cáo Hiển khẳng định: “Hậu quả xảy ra, theo chức năng nhiệm vụ được phân công, tôi không làm sai; theo quy định của pháp luật tôi không vi phạm. Cáo trạng truy tố như vậy tôi thấy oan”.
Bị cáo Vũ Thanh Hải (nguyên Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên PGĐ Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) thì trả lời “cho đến thời điểm này, bị cáo chưa biết sai ở điểm nào, đồng thời bị cáo này nói thêm, bị cáo chỉ nghĩ đến việc phục vụ cho dân sinh tốt nhất, không nhằm mục đích tư lợi cá nhân.
Cụ thể, bị cáo trình bày không đồng ý với cáo trạng: Quá trình làm Trưởng phòng sản xuất từ tháng 8.2004 – 12.2005, chủ yếu chỉ đạo xây dựng nhà máy, tiếp nhận công nghệ, kiểm tra sản phẩm trong thời gian ngắn. Tháng 1.2007, PGĐ nhà máy phụ trách mảng kinh doanh. Quy trách nhiệm chỉ đạo xuyên suốt quá trình là không hợp lý. Bị cáo Hải cho rằng mình chỉ ký 66 biên bản, không phải 73 biên bản nghiệm thu như cáo trạng đã nêu, không trực tiếp chỉ đạo vấn đề kỹ thuật. Bị cáo ký với tư cách PGĐ phụ trách kinh doanh, trên cơ sở đã được lập trước đó.
Tương tự, bị cáo Trần Cao Bằng (nguyên GĐ Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex) cho rằng đi tù nhưng không biết đi tù vì tội gì và đề nghị xem xét lại kết luận giám định, xem xét lại cáo trạng, bởi theo bị cáo đánh giá thì bị cáo không phạm tội.