Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Sướng không đồng tình với số lượng xăng giả bị cáo buộc trong cáo trạng lần này. Bị cáo cho rằng, 188 triệu lít xăng đã bán ra thị trường bị quy buộc là xăng giả là không đúng bản chất vì chưa phân biệt là xăng giả hay xăng kém chất lượng.
Có lúc, bị cáo mua xăng từ đầu mối về rồi bán luôn. Vì vậy, viện kiểm sát cáo buộc 188 triệu lít xăng đó là xăng giả thì bị cáo không đồng ý. Bị cáo cũng khai rằng, chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra và khẳng định đó là xăng giả. Bị cáo chỉ thừa nhận với 137 triệu lít xăng như cáo trạng lần trước.
Về tỉ lệ pha trộn xăng với dung môi, bị cáo Sướng cho hay, tỉ lệ pha xăng nền với dung môi theo tỉ lệ tối thiểu là 30%, cao nhất là 70-80% xăng nền.
Theo cáo trạng, dù không đủ điều kiện pha chế, sản xuất xăng dầu nhưng bị cáo Sướng đã mua dung môi, hóa chất để pha trộn với hỗn hợp màu và xăng nền để tạo thành xăng giả bán ra thị trường.
Sau đó, bị cáo Sướng cùng các đồng phạm đã sử dụng nhiều công thức pha chế khác nhau để tạo thành các loại xăng A95, A92, E5 RON 92 giả.
Vào tháng 4/2021, TAND tỉnh Đắk Nông đã mở phiên tòa sơ thẩm. Tại phiên tòa này, bị cáo Sướng cùng luật sư bào chữa và các bị cáo khác khai thêm một số tình tiết mới. Vì vậy, HĐXX TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sau khi điều tra bổ sung, cơ quan chức năng xác định các bị cáo đã tổ chức pha trộn và bán ra hơn 200 triệu lít xăng giả. Trong đó, nhóm Trịnh Sướng đã pha trộn 192 triệu lít và bán ra thị trường 188 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.
Như vậy, số xăng giả mà Trịnh Sướng sản xuất tăng gần 55 triệu lít so với cáo trạng trước đó. Số tiền hưởng lợi bất chính của bị cáo Trịnh Sướng cũng tăng lên gần 50 tỷ đồng so với cáo trạng trước.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 14 ngày.
Khánh Ngọc