Xích lô là phương tiện công cộng ở các thành phố lớn của Việt Nam từ thời xa xưa. Nó giữ vị trí quan trọng trong đời sống của người dân đô thị. Giữa cái tấp nập của phố phương xưa và nay, xích lô cũng nhiều đổi thay theo thời cuộc.
Xích lô Sài thành thời Pháp thuộc
Ai cũng biết, chiếc xích lô đầu tiên được sáng chế bởi một người Pháp tên là Caupeaud vào năm 1938. Năm 1939, Caupeaud mang nó sang Campuchia và sau đó là Sài Gòn. Tính đến nay chiếc xích lô tồn tại ở Việt Nam đã hơn 80 năm, gắn liền với bao cuộc đời của con người Việt Nam và những thăng trầm của lịch sử. Xích lô ngày xưa nhiều lắm, nhiều như xe ôm bây giờ. Trên bất kỳ con đường nào ta cũng có thể gặp xích lô. Muốn đi đâu chỉ cần, ngoắc tay một cái là có xích lô. Xích lô ngày xưa là phương tiện đi lại không thể thiếu được của những người có tiền ở Sài thành. Thời kỳ quá ít xe máy, ô tô, xích lô rất thịnh trị, được tung hoành khắp phố phường. Nhiều người đã sống "khỏe" với nghề xích lô này. Nhiều gia đình, cả 3 - 4 thế hệ theo đuổi làm nghề đạp xích lô.
Xe xích lô cổ không như bây giờ. Nó đơn giản và di chuyển nhanh hay chậm phụ thuộc vào người điều khiển nó. Xưa kia, người đi xích lô có 2 dạng, 1 để thưởng ngoạn cảnh sắc Sài thành, 2 là đi vì có công chuyện gấp. Chuyện thưởng ngoạn cảnh sắc, làm cho xích lô Sài thành thi vị hơn. Chuyện đi gấp vì công chuyện làm ăn chứng tỏ Sài thành luôn sôi động với nhịp sống thường ngày. Xích lô cổ đã cũng con người nơi đây trải qua những thăng trầm của lịch sử để tồn tại đến bây giờ. Và, nó cũng có thể là một nhân chứng sống động cho sự tồn tại, phát triển của Sài thành xưa và nay.
Xích lô Sài thành bây giờ khác lắm. Bởi Sài Gòn bây giờ thênh thang với 2.000 km2, 8 triệu dân và hơn 5 triệu xe các loại. Đất chật, người đông, xe lắm, xích lô dường như không thể bon chen nổi với cuộc sống sôi động đến chóng mặt ngày thường. Tắc đường liên tục, ai còn đi xích lô để thưởng ngoạn nữa. Cuộc sống công nghiệp hóa, cần nhanh thì đã có xe ôm, taxi, thế là xích lô thất nghiệp.
Bác Trần Văn Thành, làm nghề đạp xích lô đã hơn 20 năm, ở quận Tân Bình, cho biết: "Giờ người nào là tỷ phú thời gian thì mới đi xích lô. Mà, chiều những ông tỷ phú thời gian này mệt lắm. Ngoài ra, khách nước ngoài đi xích lô là chính. Những người khách ở châu Âu, châu Úc, châu Mỹ hay người Nhật, người Trung đông cũng rất thích thưởng thức "hương vị" xe xích lô của Sài thành".
Theo bác Thành, khách nước ngoài thường chỉ thuê đi vào thời gian nhất định trong ngày. Họ đi ra nhà thờ, dinh Độc lập, quảng trường và đặc biệt là đến bến Nhà Rồng". Qua theo dõi, chúng tôi được biết, xích lô bị cấm đi vào những cung đường nhất định, trong những giờ nhất định của ngày. Vì thế, người hành nghề đạp xích lô ngày rất vất vả. Những giờ người dân được nghỉ, ngồi quây quần bên mâm cơm cùng toàn gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc thì chính là thời gian người đạp xích lô phải lao động. Đó là giờ mà họ chở khách nước ngoài đến các địa điểm du lịch trong thành phố.
Ngày nay, phần lớn những người đạp xích lô đều là người từ quê lên. Họ có cái gì đó khác thường với những người dân đạp xích lô Sài thành gốc. Cái cung cách phục vụ của người làm dịch vụ khách hàng là "thượng đế" đã mai một dần. Họ chỉ để ý đến cái sự hình dung bên ngoài và số tiền thu được chứ không hành động để giữ gìn nghề cổ xưa cho Sài thành.
Đành rằng, cuộc sống ngày nay xô bồ, gấp gáp và đòi hỏi nhiều về vật chất hơn. Song những cái đó làm mất đi hình ảnh một nghề cổ xưa của Sài thành thì thật phí. Xích lô là phương tiện đi lại nhưng là nhân chứng cho sự phát triển của Sài thành. Vì thế, muốn nó tồn tại và mang những nét văn hóa đặc trưng, mỗi người làm nghề cần hiểu nguồn gốc thì mới có cách cư xử đúng với nghề mình đang vì nó mà mưu sinh.
Hoàng Thương