Năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản số 2371 gửi Thủ tướng với nội dung đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn xây dựng khu tái định cư, di dời các hộ dân ra khỏi vùng lũ. Đính kèm với văn bản đó là danh sách 66 hộ dân trong diện cần giải tỏa.
Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như cả 66 hộ dân đó đều được phổ biến và đồng tình với chủ trương của UBND tỉnh. Nhưng sự thật là hầu hết những hộ trong danh sách đều tỏ ra bất ngờ, thậm chí còn vô cùng bức xúc với sự “quan tâm” sốt sắng của chính quyền.
Không bức xúc sao được khi trên thực tế, khu đất của nhiều hộ gia đình trong danh sách đính kèm không (hoặc chưa) hề bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Không những thế, còn rất nhiều hộ có nhà nằm ven QL1A, được xây dựng kiên cố, có giá trị sinh lợi khá lớn.
“Nhờ” sự quan tâm của chính quyền mà nhiều gia đình đã rơi vào cảnh khốn đốn. Họ đang sống thoải mái trong mảnh đất rộng rãi nay phải chuyển đến một nơi khác chật chội hơn. Đó là chưa kể đến khi chấp nhận di dời nhà đất, nhiều bà con phải vay mượn hàng trăm triệu để xây nhà mới. Vậy là từ nghèo, họ trở nên nghèo hơn khi mỗi tháng ngoài chi phí sinh hoạt lại phải gánh thêm tiền nợ, tiền lãi.
Nhưng điều đó có lẽ còn chưa bi hài bằng chuyện nhiều hộ có tên trong danh sách 66 hộ cần tái định cư nhưng lại… không được cấp đất. Và đương nhiên, “mảnh đất của họ” nhanh chóng được UBND thị xã phù phép cho tư nhân thuê làm dự án. Còn người dân, bỗng dưng họ trở thành “những kẻ xâm phạm bất hợp pháp” trên chính mảnh đất của mình.
Thế mới thấy cái gì quá cũng không tốt kể cả sự quan tâm. Có lẽ chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, (tỉnh Hà Tĩnh) đã quá quan tâm đến đời sống của người dân nên mặc dù bão lũ chưa “kịp” gây ảnh hưởng gì đến nhiều hộ gia đình thì họ đã đưa người dân thoát khỏi “bàn tay của thiên tai” một cách nhanh chóng.
Phải chăng, một bộ phận cán bộ thị xã ấy có tài tiên tri nên đã dự đoán được sự đe dọa của thiên tai lên những vùng đất mà hiện tại, nó được phù phép thành “những miếng bánh béo bở” trước cả chục năm?
Không biết động lực gì đã khiến chính quyền thị xã trở nên “nhanh nhạy” trong việc dự đoán hậu quả của thiên tai như vậy?
Nhưng có điều chắc chắn là không phải vì quyền lợi của người dân nơi đó. Bởi nếu đã vì dân thì dân đã chẳng phải sống trong cảnh lầm than như hiện tại.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả