Ở nơi ăn xin là phạm pháp
Một buổi chiều chủ nhật nắng nóng cuối tháng 7, như bao chiều, Sunday Etim, 26 tuổi, đến từ Cross River, Nigeria lang thang dọc các phố nhỏ của thành phố Lagos, Nigeria, vừa đi vừa ngửa mũ xin tiền lẻ. Nhưng không giống như mọi ngày, hôm nay, khi hắn vừa ngửa mũ tiến đến gần một cặp đôi sang trọng đang dắt nhau qua phố thì bất ngờ từ đâu hai cảnh sát mặc quân phục tiến đến phía trước hắn, xích tay đưa về đồn cảnh sát. Cùng bị bắt lúc đó với hắn còn có cậu bạn cũng đang xin khách miếng bánh nhỏ.
Ở Ấn Độ, người ăn xin tụ tập ở khắp các con phố dù ở đây ăn xin là phạm pháp.
Lớn lên từ một vùng quê nghèo, hắn được người họ hàng đưa lên thành phố này với mong ước sẽ kiếm thêm được chút tiền gửi cho gia đình. Cả hai cùng dự định sau khi đã có chút tiền sẽ về quê. Nhưng hôm nay hắn sẽ chẳng còn được về quê nữa. Vào tháng 9/2013, hắn, cậu bạn và 6 kẻ ăn xin khác đã bị tòa kết tội và vào tù là điều không thể tránh. Hắn bị kết án 2 năm tù. Còn 3 người khác, 2 nữ và một nam cũng bị xử tội ngày hôm đó nhưng mức án nhẹ hơn, 1 năm. Ước mơ về một món tiền lớn để lấy vốn làm ăn của hắn không những không thành hiện thực mà giờ đây khi bị bắt thế này hắn còn mất một khoản tiền không nhỏ với những kẻ ăn xin như hắn. Mức phạt phải trả cho mỗi lần bị bắt như thế này có thể từ 5,000 đến 30,000N (tương đương với khoảng 650,000 – 3,900,000 đồng).
Đây hoàn toàn không phải là những trường hợp cá biệt bị vào tù vì ăn xin trên phố. Chỉ riêng năm ngoái có tới 120 người ăn xin Nigeria bị bắt bỏ tù. Và trong năm nay, chỉ tính từ tháng 5 đến đầu tháng 7/2013, 30 người ăn xin đã bị tù giam, 12 người khác bị giam giữ cải tạo lao động.
Nigeria cũng không phải là nước duy nhất bỏ tù người ăn xin. Trên các diễn đàn mạng thế giới vừa truyền nhau thông tin người ăn xin trên phố Bangladesh. Trong cơn đói cồn cào giữa lúc đang lang thang trên phố, người phụ nữ Bangladesh đã tiến đến xin miếng bánh mà cặp vợ chồng ăn thừa để lại rồi ngấu nghiến cho vào miệng nhai. Nhưng chưa hết miếng, thì cảnh sát ập đến, bà bị đưa về trại giam và sau đó nhận lệnh khởi tố cùng mức án: 1 tháng vì tội ăn xin.
Ở Bangladesh, bất cứ ai đang ăn xin mà bị bắt gặp đều bị bắt vào tù một tháng dù cho người ăn mày đó có khuyết tật, đang ốm hay mắc bệnh gì đi chăng nữa. Tùy vào mức độ nặng nhẹ của hành vi ăn xin mà mức án dành cho tội danh này có thể tăng giảm khác nhau. Người ăn mày có thể bị kết án từ 1-3 năm và thậm chí nếu tái phạm có thể bị phạt tới 10 năm.
Những kẻ ăn xin trên đường phố Bangladesh.
Ấn Độ cũng là một trong những nước ban bố lệnh cấm ăn xin. Những kẻ ăn xin tụ tập đông đảo trên khắp các đường phố Ấn Độ dù cho ăn xin là bất hợp pháp ở đây. Có tới gần 60,000 người ăn xin ở thủ đô New Delhi và phần lớn là trẻ con và trung bình kiếm được 1-5 đô la mỗi ngày. Ở Ấn Độ, có hơn 1,400 người đang phải chịu án tù trong các trại cải tạo mà cơ sở vật chất chỉ tốt hơn nhà tù cho các loại tội phạm khác một chút. Họ cũng phải cải tạo lao động, cũng phải huấn luyện như bất cứ tội phạm nào khác song có khác là họ không phải trả tiền. Có lẽ vì thế mà dẫn đến nghịch lý là có nhiều người ăn mày Ấn Độ thích được vào tù. Nói như Arjun Behra, 45 tuổi, một ăn mày chuyên nghiệp ở Ấn Độ thì: “Tôi muốn được quay trở lại nhà tù, tôi không muốn ra ngoài vì ở tù tôi vẫn có đồ ăn”.
Luật cấm người ăn mày thực ra không mới. Ngay từ những năm 1800, luật pháp Anh đã quy định ăn xin là phạm pháp. Nhiều thành phố ở NaUy, và một số bang ở Mỹ ngay từ đầu cũng đã coi ăn xin là một danh mục phạm tội.
Phạt tù kẻ ăn xin là vi phạm nhân quyền?
Khi đưa ra quy định ăn xin là phạm pháp, các nhà lập pháp ở các nước đều có lý do. Trước hết, dẹp được đội ngũ ăn xin, cảnh quan đường phố trở nên đẹp, giao thông thuận tiện. Nhưng quan trọng hơn, là nhằm cải tạo những người ăn xin. Theo báo cáo của các nhà chức trách Ấn Độ, những người ăn mày thường rất lười, họ không muốn bỏ công sức ra lao động và làm việc. Họ thấy việc sống dựa vào người khác dễ chịu hơn. Một số tin rằng nếu họ không may mắn bị khuyết tật thì điều họ cần chỉ là đưa cánh tay ra xin và vận mệnh đã thay đổi.
Một kẻ ăn mày ở Mỹ.
Các nhà chức trách thành phố Birmingham (Anh) thì tin rằng 60% ăn xin ở nước này là có nhà riêng. Họ rất giàu bởi lẽ theo thống kê có đến 90% người dân nước này rút tiền ra cho ăn xin mỗi khi gặp. Hơn nữa, có lực lượng ăn xin, tỷ lệ tội phạm gia tăng đáng kể. Theo nhiều nhà chức trách, nhiều kẻ móc túi, cướp giật hay trà trộn vào nhóm ăn xin hoặc giả làm người ăn xin để trộm cắp, cướp giật những người trên đường, thậm chí những người đang ban phát tình thương cho kẻ nghèo khó.
Nhiều người ăn xin giả vờ mù, què cụt để xin rủ lòng thương. Song thật ra, họ thậm chí còn kiếm được nhiều tiền hơn những người có công ăn việc làm. Chính vì lẽ đó mà bản thân nhiều người ăn xin không hề có ý định thay đổi cuộc sống xin ăn của họ. Thậm chí có những gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác đều chọn ăn xin là nghề kiếm sống. Và một khi ai đó dung túng cho một người ăn xin nghĩa là họ đang để cho gia đình cô ấy hay anh ấy sản sinh thêm một thế hệ ăn xin nữa lang thang trên đường phố hay đền chùa.
Tuy nhiên, với nhiều tổ chức thế giới thì lại lên án việc bắt giam ăn xin và coi ăn xin là phạm pháp. Những tổ chức đứng về phía người ăn xin gọi đây là sự vô nhân đạo. Theo họ, người ta có quyền sống, quyền về lòng tự trọng và việc cấm ăn xin nghĩa là vi phạm quyền của một con người.
Gần đây nhất, sau khi thông tin thành phố Flagstaff bắt giam 135 người ăn xin mỗi năm được đưa ra. Đặc biệt trong đó có vụ thành phố bắt giữ một người khuyết tật, 77 tuổi chỉ vì người này bí mật xin cảnh sát 1,25 đô để mua vé xe buýt thì Hiệp hội Bảo Vệ Các Quyền Tự Do của Mỹ (ACLU) đã đệ đơn kiện các quan chức thành phố này.
Và trong phiên tòa xử vụ kiện cấm người ăn xin cuối tháng 9 vừa qua, tòa án Mỹ đã quy định Flagstaff không được phép thi hành luật chống ăn xin nữa.
Ngoài ra, tòa án cũng cấm bất cứ luật hay sắc lệnh nào của thành phố Flagstaff vì mục đích “can thiệp, tấn công, bắt giữ hay khởi tố bất cứ ai đang có hành động ăn xin trong khu vực công cộng”.
Thu Hương (Theo AFP, IndianTimes)