Trước đây, luật sư Võ Văn Lãm (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) đã khởi kiện ông TMP ra TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) để tranh chấp quyền sử dụng gần 5.000 m2 đất. Do vụ án có yếu tố nước ngoài nên được chuyển lên TAND tỉnh Đồng Nai và được tòa thụ lý vào tháng 11-2011.
Tòa từ chối
Trong quá trình tòa giải quyết, ông Lãm đã đến tòa xin sao chụp một số tài liệu, chứng cứ liên quan (một quyền của đương sự theo BLTTDS) và được tòa chấp nhận. Tuy nhiên, chưa hài lòng với việc chỉ được “sao chụp từng tài liệu theo yêu cầu”, gần đây ông Lãm đã mang thẻ luật sư, chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hoạt động văn phòng luật sư, giấy giới thiệu của văn phòng luật sư đến gặp thẩm phán giải quyết vụ án để xin cấp giấy chứng nhận là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho… chính mình. Song song đó, ông cũng đề nghị thẩm phán cho mình được nghiên cứu hồ sơ vụ án (một quyền của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo BLTTDS).
Sau khi xem xét, thẩm phán đã không đồng ý cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lãm, đồng thời từ chối luôn yêu cầu được nghiên cứu hồ sơ của ông.
Mới đây, ông Lãm khiếu nại nhưng đã bị chánh án TAND tỉnh Đồng Nai bác đơn. Theo chánh án TAND tỉnh Đồng Nai, theo quy định của BLTTDS thì đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là hai tư cách tham gia tố tụng khác nhau, có những quyền và nghĩa vụ khác nhau. Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 58 BLTTDS, đương sự có quyền “tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 63 BLTTDS, “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và tòa án chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Vì vậy, chánh án TAND tỉnh Đồng Nai khẳng định tòa không cấp giấy chứng nhận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho ông Lãm là đúng với quy định của BLTTDS.
Còn về yêu cầu nghiên cứu hồ sơ vụ án, theo chánh án TAND tỉnh Đồng Nai thì BLTTDS không quy định đương sự như ông Lãm có quyền này. Do vậy, việc thẩm phán không giải quyết yêu cầu được nghiên cứu hồ sơ của ông là phù hợp. Theo điểm đ khoản 2 Điều 58 BLTTDS, đương sự chỉ có quyền “được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập”. Những quyền này tòa đã cho ông. Nếu ông muốn nghiên cứu hồ sơ thì phải nhờ một luật sư khác xin tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông.
Không thể “hai vai”
Trao đổi, luật sư Lãm cho biết mục đích xin làm “luật sư cho chính mình” là nhằm chuẩn bị tốt cho việc tham gia tố tụng cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình thông qua việc nghiên cứu toàn bộ hồ sơ. Ông Lãm khá bức xúc khi cho rằng “luật không hề cấm chuyện này nhưng không hiểu sao tòa vẫn cấm?”
Đây là một tình huống hi hữu trong tố tụng dân sự. Chúng tôi đã trao đổi với nhiều chuyên gia và tất cả đều đồng tình với hướng giải quyết của TAND tỉnh Đồng Nai.
Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Theo BLTTHS thì địa vị pháp lý của nguyên đơn và luật sư là hoàn toàn khác nhau. Địa vị pháp lý này cũng do tòa xác định. Như vậy, một người không thể tham gia tố tụng với tư cách vừa là nguyên đơn vừa là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình được. “Tuy nhiên, nếu với tư cách là nguyên đơn và bản thân anh là một luật sư, tức có một trình độ hiểu biết nhất định, có kiến thức luật sâu hơn thì anh có thể thực hiện quyền tự bảo vệ mình tốt hơn bằng cách đưa ra những luận cứ, những kiến nghị cho vụ án” - luật sư Hoài nói.
Đồng tình, TS Lê Minh Hùng (Trưởng bộ môn Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: “Cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới đều chưa có tiền lệ này”. Theo ông Hùng, một người mang “hai vai” trong một vụ án như thế thì sẽ trùng lặp về mặt ý chí và mang tính chất chủ quan, không đúng nghĩa với vai trò “trợ tá pháp lý” của luật sư. Trong khi bản chất của luật sư là “trợ tá pháp lý”, vừa bảo vệ đương sự vừa hỗ trợ tòa nhìn nhận vấn đề một cách công bằng, đúng luật. “Khi anh đứng trên hai vai trò nguyên đơn và luật sư bảo vệ quyền lợi cho chính mình thì vai trò của luật sư không được thể hiện một cách khách quan, độc lập, trung thực và tôn trọng sự thật” - TS Hùng khẳng định.
Cùng quan điểm, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bổ sung thêm một ý: Trong tố tụng, tất cả chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đều phải tuân thủ các quy định của các bộ luật, luật và văn bản hướng dẫn liên quan. “Luật cho phép thì làm, không cho hay chưa cho thì thôi chứ không thể lập luận là luật không cấm, luật chưa quy định thì tôi có quyền làm” - vị thẩm phán này khẳng định.
Quá nghịch lý! Theo BLTTDS, quyền và nghĩa vụ của đương sự, của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, một người không thể phân thân ra làm hai công việc. Điều 63 BLTTDS nêu rất rõ “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ…”. Bản thân anh lại đi nhờ anh bảo vệ cho chính mình ư? Quá nghịch lý! Đã nghịch lý thì không được làm dù luật chưa quy định. Điểm d Điều 58 BLTTDS quy định đương sự “được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập”. Khoản 2 Điều 64 BLTTDS quy định người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được “nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Như vậy, sự khác nhau ở đây thể hiện ở chỗ nếu là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì họ có quyền được nghiên cứu hồ sơ, phạm vi sẽ rộng hơn và có thể hiểu rằng sẽ được xem toàn bộ hồ sơ. Tuy nhiên, phạm vi này tòa vẫn có thể hạn chế nếu tòa cho rằng tài liệu ấy chưa đến lúc công bố hoặc cần phải giữ bí mật... TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trưởng bộ môn Luật TTDS Trường ĐH Luật TP.HCM |
Theo Phan Thương (Pháp luật TP HCM)