Mình đang suy nghĩ sẽ sớm ra quyết định của đời mình, đó là nói với mẹ chồng ghê gớm của mình một câu mà từ lâu mình vẫn đắn đo mãi: "Xin phép mẹ cho con được về nơi sản xuất".
Trước khi đi, mình sẽ để lại một bức thư chung chung thế này, gửi mẹ chồng mình và những bà mẹ chồng “phát xít”.
“Gửi các mẹ chồng tác oai tác quái.
Những điều các mẹ dạy hoàn toàn đúng, làm dâu phải biết nội trợ, toàn tâm toàn ý với nhà chồng. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người con dâu chúng con phải nai lưng cật lực phục vụ từ A đến Z từ bố mẹ chồng đến em chồng trong khi không ai mó tay vào việc gì.
Người ta cưới vợ cho con trai còn các mẹ chỉ muốn cưới con gái người ta để phục vụ cho cả nhà. Khi chúng con về làm dâu, các mẹ cũng trút toàn bộ việc nhà cho dâu và chỉ ngồi rung đùi chỉ tay 5 ngón. Lại còn đưa ra một sớ dài các thứ “phải, phải, phải” như đã nêu.
Cứ cho là từ trước khi có con dâu, các mẹ đã phục vụ mọi người như thế. Nhưng vì đó là chồng và con ruột của các mẹ, muối đổ lòng ai nấy xót. Còn những cô dâu mới hoàn toàn là khác máu tanh lòng. Tình cảm và hơi sức đâu mà phục vụ cả một đại đội người dưng như thế? Có lắm thì là vì yêu chồng nên cán đáng một số việc cần làm mà thôi.
Các mẹ chồng luôn đòi hỏi con dâu phải xem nhà chồng như nhà mình nhưng đã bao giờ các mẹ xem con dâu là con? Tình thương chỉ có được khi trải qua thời gian chung sống trên cơ sở tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau. Tình thương không bao giờ được xây dựng bằng sự chèn ép và phục dịch.
Từ lúc về làm dâu, các mẹ luôn ở đâu đó trên ngai vàng, nhả những lời gang thép xuống đám thường dân là con dâu dưới tận cùng địa ngục này. Đã bao giờ các mẹ nghĩ đến vị trí của con dâu?
Chưa dừng lại ở việc điều khiển, các mẹ muốn kiểm soát luôn các mối quan hệ của con dâu với bố mẹ ruột.
Xin được nhấn mạnh, đây là thời hiện đại, các mẹ đừng nỗ lực kéo con dâu quay lại thời kỳ phong kiến - nơi phụ nữ đầu tắt mặt tối ở xó bếp không có chút tự do bình đẳng nào.
Cũng xin các mẹ xem bản thân, chồng và các con là những người khỏe mạnh, có đủ tay chân đầu óc để tự phục vụ nhu cầu cá nhân. Đừng biến gia đình thành trại khuyết tật, đến ăn cũng đợi con dâu hầu đến tận miệng. Ở đời không có một người ngu nào đã đi ở lại còn phải nộp tiền hàng tháng.
Không biết ngày xưa các mẹ đi làm dâu thế nào? Do ngày trước bị hành hạ nên bây giờ muốn trả thù hay tự tâm các mẹ đã lạnh lùng nhẫn tâm như thế? Con dâu đi làm quá trưa mới về, lại còn phải nấu nấu nướng nướng đến một bộ áo quần cũng không kịp thay để kịp ăn, đầu giờ chiều còn đi làm.
Làm thế nào mà các mẹ có thể ăn ngon miệng khi chứng kiến con dâu khổ sở như thế? Đến một nồi cơm các mẹ cũng không tiện tay cắm giúp, thời gian rảnh chỉ vạch lá tìm sâu khó dễ con dâu.
Các mẹ cũng đã từng đi làm mà sao không thông cảm được công việc có lúc rất bận rộn? Do khối lượng công việc bây giờ lớn hơn ngày xưa hay do ngày trước các mẹ chỉ là công chức ăn bám, là con sâu hút máu nhà nước nên không hiểu được sự bận rộn của một nhân viên gương mẫu là thế nào?
Chưa dừng lại ở việc điều khiển, các mẹ muốn kiểm soát luôn các mối quan hệ của con dâu với bố mẹ ruột. Vì sao chỉ khi được các mẹ “cho phép” mới được về thăm bố mẹ lại còn chỉ trong 1 - 2 buổi? Người ta gọi là “gả con” chứ đâu phải “bán con” mà không được thăm nhau?
Mà quả thật, ngay lúc này cũng chẳng còn mặt mũi nào gặp lại bố mẹ đẻ, phí công sinh thành nuôi nấng dưỡng dục để lớn lên đi làm dâu bị người đời sai khiến như một con ở lại còn cấm không cho về nhà.
Có một câu “dọa” cửa miệng của các mẹ là “không làm được thì đừng đi làm dâu”. Sự thật là nếu biết trên đời này có những mẹ chồng như các mẹ thì chúng con tự nguyện độc thân suốt đời. Chẳng ai rửng mỡ chui đầu vào địa ngục lại còn bị chửi đến nát tông nát mả thế này.
Phụ nữ bây giờ khác xưa nhiều lắm, ngày xưa ai không lấy được chồng thì bỏ đời. Còn bây giờ ai không lấy chồng thì vẫn còn nguyên cả cuộc đời. Chỉ khi nào gặp phải mẹ chồng như các mẹ mới xem như tàn đời.
Bởi vậy, các mẹ chồng tai quái ạ, không cần phải đuổi chúng con đi đâu cả, cũng đừng chờ đợi một lời xin lỗi ở chúng con vì con dâu đâu có làm gì sai. Chúng con xin tự nguyện quay về nơi sản xuất để làm lại cuộc đời”.
Theo Pháp Luật Xã hội