Đánh giá này được nêu ra trong báo cáo tổng kết ngành du lịch năm 2012 do Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) thực hiện, dựa trên ba yếu tố trong chính sách thị thực: không cần thị thực, cấp thị thực tại điểm đến và thị thực điện tử.
Trong năm 2012, 20% du khách nước ngoài không cần xin thị thực khi đến các nước châu Á du lịch. Theo UNWTO, 19% du khách được cấp thị thực tại điểm đến ở châu Á, thậm chí 7% còn được phép làm thị thực qua Internet (thị thực điện tử).
Minh chứng cho việc mạnh dạn thay đổi chính sách visa để thúc đẩy hợp tác liên khu vực và điều phối du lịch: lượt khách quốc tế đến tham quan châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2012 tăng 7% so với trước và đạt con số 232 triệu. Châu Á - Thái Bình Dương (7%), đặc biệt là Đông Nam Á (9%), là khu vực với số lượng du khách quốc tế tăng cao nhất trong năm 2012 so với năm 2011. Chỉ tính trong chín tháng đầu năm 2012, nguồn thu từ du lịch đã tăng hơn 18% ở Thái Lan, 17% ở Philippines, 15% ở Malaysia và 10% ở Indonesia.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là chính sách cấp thị thực tại điểm đến của Myanmar - đất nước từng một thời gian dài gần như “bế quan tỏa cảng” với thế giới. Từ ngày 1-6-2012, Myanmar áp dụng hình thức cấp thị thực tại điểm đến cho du khách từ 26 nước. Theo Bộ trưởng Cơ quan di trú Khin Yi, từ khi chính sách này được áp dụng thì trung bình mỗi ngày Myanmar đón thêm 50 khách so với trước đây.
Theo trang web của Tổng cục Du lịch Myanmar, lượng du khách đến nước này trong năm 2012 là 1 triệu người - mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 30% so với năm 2011. Điều mà Myanmar cần xúc tiến là nâng cao cơ sở vật chất để cải thiện dịch vụ du lịch.
Cuối năm 2012, Thái Lan và Campuchia tuyên bố áp dụng thị thực chung, cho phép du khách chỉ cần sử dụng một thị thực do Thái Lan hoặc Campuchia cấp là có thể thoải mái du lịch ở nước còn lại. Theo báo Bangkok Post, chương trình này được áp dụng cho du khách từ 35 quốc gia.
Chính sách này là nội dung của thỏa thuận Acmecs do Thái Lan khởi xướng từ năm 2003 nhằm thúc đẩy hợp tác với các nước như Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam; nhưng Thái Lan và Campuchia là hai quốc gia đầu tiên tiến tới áp dụng lộ trình này. Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul khẳng định chương trình thị thực chung sẽ thúc đẩy ngành du lịch giữa Thái Lan và Campuchia, tạo điều kiện cho du khách quốc tế tham quan hai nước này dễ dàng hơn.
Nhận định về triển vọng phát triển ngành du lịch quốc tế trong năm 2013 của từng châu lục, UNWTO đánh giá châu Á - Thái Bình Dương là khả quan nhất (tăng từ 5-6%), kế đến là châu Phi (tăng 4-6%), châu Mỹ (3-4%), châu Âu (2-3%) và Trung Đông (0-5%).
Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai nhận định năm 2012, kinh tế tiếp tục bất ổn trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực đồng euro, nhưng ngành du lịch thế giới vẫn nỗ lực “chèo lái” để phát triển. Trong con số kỷ lục 1.035 tỉ lượt du khách đi du lịch nước ngoài vào năm 2012 thì chỉ riêng thị trường châu Âu đã thu hút tới một nửa: 535 triệu lượt người. Tuy nhiên, châu lục này lại bị UNWTO đánh giá là “khép kín” nhất với thế giới do chỉ có 6% du khách được cấp thị thực tại điểm đến và không áp dụng thị thực điện tử.
“Nếu thắt chặt việc cấp thị thực có nghĩa là bạn đánh mất cơ hội tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm mà ngành du lịch mang đến. Du khách xem thị thực khó khăn là một hình thức tạo thêm tốn kém. Ngành du lịch sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu kèm theo sự tốn kém này, dù đo lường bằng tiền tệ hay các yếu tố khác, gồm khoảng cách, thời gian chờ đợi và dịch vụ vượt quá một ngưỡng nhất định - Tổng thư ký Rifai nhấn mạnh và khẳng định - Du lịch là một trong những cột trụ mà chính phủ toàn thế giới cần hỗ trợ phát triển để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Nếu xét riêng trong khối G20, nghiên cứu toàn cầu của UNWTO và Hội đồng Du lịch thế giới (WTTC) chỉ ra rằng việc cải thiện chính sách thị thực có thể mang lại thêm 206 tỉ USD cho ngành du lịch và tạo ra hơn 5 triệu việc làm vào năm 2015. Nhận thức được điều này, trong cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 6-2012 (tại Los Cabos, Mexico), các lãnh đạo G20 đã khẳng định “du lịch là động cơ tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế”, và cam kết cùng hành động để đẩy mạnh du lịch.
Công viên đồ chơi Lego đầu tiên ở châu Á
Tháng 9-2012, công viên chủ đề về đồ chơi Lego đầu tiên của châu Á - Legoland - đã khai trương ở Malaysia. Đây là công viên thứ sáu về Lego trên thế giới do Tập đoàn Merlin Ent. (Anh) đầu tư xây dựng. Tổng giám đốc tập đoàn này, ông Nick Varney, không ngần ngại gọi Malaysia là “thành phố Orlando của Đông Nam Á” (thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ được mệnh danh là “thủ đô công viên chủ đề của thế giới”).
Trả lời báo Business Times (Malaysia), ông Varney cho biết Tập đoàn Merlin đang muốn mở rộng phát triển ở Malaysia, Singapore vì cho rằng “đây là một đầu trục có thể trở thành thị trường du lịch mạnh của thế giới, thu hút du khách từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Úc”.
Tháng 9-2012, công viên chủ đề về đồ chơi Lego đầu tiên của châu Á - Legoland - đã khai trương ở Malaysia. Đây là công viên thứ sáu về Lego trên thế giới do Tập đoàn Merlin Ent. (Anh) đầu tư xây dựng. Tổng giám đốc tập đoàn này, ông Nick Varney, không ngần ngại gọi Malaysia là “thành phố Orlando của Đông Nam Á” (thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ được mệnh danh là “thủ đô công viên chủ đề của thế giới”).
Trả lời báo Business Times (Malaysia), ông Varney cho biết Tập đoàn Merlin đang muốn mở rộng phát triển ở Malaysia, Singapore vì cho rằng “đây là một đầu trục có thể trở thành thị trường du lịch mạnh của thế giới, thu hút du khách từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Úc”.
Theo Tuổi trẻ