Hệ lụy đầu tiên từ chuyện Xi măng (XM) Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải là điểm số và thứ hạng của các đội thay đổi chóng mặt. Theo điều lệ, tất cả các kết quả trong các trận đấu có liên quan đến XM Xuân Thành Sài Gòn đều bị hủy.
Vì lẽ đó mà SL Nghệ An sau khi mất 6 điểm (thắng XM Xuân Thành Sài Gòn 2 trận) xem như mất khả năng tranh ngôi vô địch. V.Ninh Bình từ chỗ đã chắc chắn trụ hạng từ vòng 20 bây giờ phải gồng mình đá tiếp (riêng chuyện này thì V.Ninh Bình có thể cũng làm ầm ĩ, nếu họ buộc phải mất tiền để kêu gọi cầu thủ của họ vốn đang xả hơn tập luyện chăm chỉ trở lại).
XMXT Sài Gòn bỏ giải tạo nên nhiều xáo trộn ở V-League
Ngược lại, K.Kiên Giang từ chỗ chắc chắn rớt lại có hy vọng sống thoát. Trong khi gieo hy vọng cho K.Kiên Giang lúc này chẳng khác nào gieo thêm tội. Một CLB chuyên nghiệp mà không có tiền thì có lẽ nên rớt hạng và không nên tồn tại nữa.
Cứ mỗi lần di chuyển, mỗi lần thi đấu là K.Kiên Giang phải đi vay tiền, vậy thì họ còn sống ngày nào lại ôm thêm nợ ngày đó chứ được gì?
Đấy là chuyện của V-League, và chuyện của V-League có thể ảnh hưởng dây chuyền đến toàn bộ hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam. V-League 2013 chỉ có 1 suất rớt hạng, khi XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ, liệu người ta có hủy suất xuống hạng hay không?
Nếu hủy thì toàn bộ giải VĐQG suốt từ đầu mùa đến giờ là đá chơi à? V-League mà không có đội xuống hạng thì khác nào bóng đá nghiệp dư?
Nếu vẫn có đội rớt hạng, thì phải đôn số đội thăng hạng cho đủ số chẵn (để số đội lẻ ở V-League mùa sau rất dễ làm nẩy sinh tiêu cực). Mà đã đôn số đội thăng từ hạng Nhất lên V-League, thì cũng phải tăng luôn số suất thăng hạng từ hạng Nhì lên hạng Nhất, cũng để cho đủ số chẵn ở giải hạng Nhất mùa sau.
Và nếu giải hạng Nhì 2013 vừa rồi có thêm suất thăng hạng, thì hóa ra VFF tổ chức VCK giải đấu này là thừa? – Bởi có 6 đội dự VCK hạng Nhì thì cả 6 đội đều được lên hạng?
Để tránh rắc rối, có người đã đề xuất phương án tổ chức trận play-off giữa đội đứng chót V-League với đội đứng thứ 4 giải hạng Nhất 2013 (CS.Đồng Tháp). Nhưng làm thế chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế.
Vì như đã nói ở trên, người ta không nên ép những đội quá nghèo dạng như K.Kiên Giang hay CS.Đồng Tháp đá giải V-League, bởi càng đá càng mang nợ thì tội lắm!
Những người điều hành bóng đá Việt Nam thường không thiếu phương án để chữa cháy tức thời, nhưng phương án mà họ đưa ra có tốt hay không lại là chuyện khác. Thói quen của những người làm bóng nội lâu nay vẫn là thay vì vạch định hướng rồi thực hiện định hướng ấy, người ta lại chọn cách cố đi rồi hy vọng nhìn thấy đường (chỉ là hy vọng thôi nhé!).
Cứ nghe phát biểu của ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ mới đây thì sẽ hiểu phần nào cái tầm của người đang đứng đầu làng cầu nội. Ông Hỷ dọa rằng nếu cầu thủ và HLV của XM Xuân Thành Sài Gòn đồng tình với quyết định bỏ giải của lãnh đạo CLB, họ sẽ bị kỷ luật nặng, cấm chuyển nhượng, cấm hành nghề.
Không biết khi phát biểu như thế, người đứng đầu VFF đã tham khảo Luật Lao Động hay chưa? Nghĩa vụ của người lao động là phải tuân thủ hợp đồng với nơi thuê họ, làm gì có chuyện đồng tình hay đồng tình ở đây mà có quyền tự ý quyết định ra sân hay không ra sân.
Khi lãnh đạo chưa sáng, người ta cần những tham mưu giỏi. Tiếc rằng ở VFF và VPF thời gian qua, bộ phận tham mưu cho các cấp lãnh đạo thuộc dạng mưu thì ít, tham thì nhiều, để cứ đến khi đụng chuyện họ toàn đưa ra phán quyết và phương án thuộc dạng… hớ nặng.
Còn về mặt tâm lý, một khi Xuân Thành bỏ bóng đá, ai dám chắc một số nhà tài trợ khác vốn cũng chẳng có ràng buộc gì với địa phương không hành động tương tự. Những nhà đầu tư còn lại đang đứng bên ngoài vốn đang chán bóng đá nội sẽ càng dị ứng hơn.
Không biết VFF và VPF nữa đã tính tất cả những hệ lụy có thể sẽ xảy ra, trước khi họ xử một cái án thiếu căn cứ như họ vừa xử chưa nhỉ?
Theo Dân trí