Hiện giá bán lẻ điện đang áp dụng thống nhất toàn quốc, có bù chéo giá giữa các vùng, miền, hộ sử dụng (sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh).
Tại Luật Điện lực sửa đổi được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, giá điện sẽ được cải cách để giảm dần và tiến tới xóa bù chéo, song Luật không đưa ra quy định chi tiết việc này thực hiện thế nào.
Để hiểu rõ hơn về tình hình cũng như thách thức trong việc xóa bỏ bù chéo giá điện tại Việt Nam, Người Đưa Tin đã có trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).
Tạo áp lực để thay đổi
NĐT: Ông có đánh giá như nào về ý nghĩa của việc xóa bỏ bù chéo giá điện được quy định trong Luật Điện lực sửa đổi vừa được thông qua?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Xét về tổng thể, xóa chế độ bù chéo sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta thực hiện cơ chế giá thị trường đối với điện, giúp cho việc xử lý hài hòa 3 lợi ích giữa nguồn sản xuất điện – người tiêu dùng điện và Nhà nước theo nguyên tắc thị trường.
Đối với các vấn đề cụ thể, khi xóa bỏ bù chéo, giá điện sẽ phản ánh chính xác chi phí tiêu thụ điện gây ra cho hệ thống điện; đưa ra tín hiệu đúng và công bằng cho cả sản xuất, đầu tư và tiêu dùng điện. Đồng thời thực hiện được chủ trương xóa bao cấp đối với các nhóm khách hàng, các vùng miền còn được bao cấp.
Đảm bảo để từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế hoạch toán đúng, đủ chi phí đầu vào khi sử dụng điện cho sản xuất, tiêu dùng. Trên cơ sở đó tạo ra áp lực tốt hơn trong thực hiện chính sách tiết kiệm điện và thúc đẩy các ngành sản xuất kinh doanh phải đầu tư, thay thế các thiết bị lạc hậu để giảm suất tiêu hao điện năng...
NĐT: Vậy những thách thức lớn nhất trong việc xóa bỏ bù chéo giá điện là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cho rằng thách thức lớn nhất là chúng ta có quyết tâm hành động hay không và tạo ra được sự đồng thuận của xã hội như thế nào. Đặc biệt là "sức chịu đựng" của nền kinh tế khi xóa bao cấp đối với các loại đầu vào cơ bản của nền kinh tế.
Đồng thời là thách thức về tiến độ việc thực hiện tại cơ cấu ngành điện phù hợp với yêu cầu của thị trường đện cạnh tranh trên cơ sở tách chức năng cung cấp các dịch vụ độc quyền tự nhiên. Cụ thể như: Truyền tải, phân phối, vận hành hệ thống điện và thị trường điện ra khỏi các đơn bị tham gia thị trường điện cạnh tranh.
Để thực hiện lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện cần xây dựng và thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách đi cùng như: tài chính, cơ chế điều tiết thị trường, cải cách triệt để biểu giá điện. Trong đó, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tiêu dùng điện hợp lý thông qua các công cụ thị trường như: tài chính, thuế, phí, các quỹ...
Lợi ích lâu dài với nền kinh tế
NĐT: Theo ông, lộ trình xóa bỏ bù chéo giá điện sẽ có tác động như nào đến việc đưa giá bán điện theo cơ chế thị trường? Người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì từ việc này?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Xóa bù chéo cũng có nghĩa xóa bao cấp cho các đối tượng, lĩnh vực, vùng miền được bù chéo và giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường. Góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng và phản ánh đúng đắn chi phí cung ứng và tiêu dùng điện.
Đồng thời, phản ánh đúng chi phí đầu vào, đầu ra và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đó có thể coi là lợi ích bao trùm và lâu dài đối với nền kinh tế mà nó mang lại.
Tuy nhiên trước mắt, khi xóa bỏ bù chéo sẽ tạo ra tính công bằng trong việc tiêu dùng điện theo nguyên tắc thị trường thị tác động của nó đến các đối tượng tiêu dùng điện rất khác nhau.
Cụ thể đối với các ngành sản xuất khi tiêu dùng điện đang được hưởng chế độ bù chéo sẽ bị điều tiết cao hơn, chi phí điều tiết sẽ phải bỏ ra nhiều hơn.
Đối với người dân tiêu dùng điện ở mức trung bình thấp, người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo sẽ bị điều tiết cao hơn giá hiện hành, nhưng người dân tiêu dùng điện ở mức cao lại được giảm chi phí so với hiện hành.
NĐT: Theo ông đánh giá, việc tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện có ảnh hưởng gì tới chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là ở những vùng, miền còn khó khăn?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Với chủ trương xóa bỏ cơ chế bù chéo giá điện, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tác động đến chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt là nhóm người dân tiêu dùng điện có thu nhập thấp, người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo lâu nay được thụ hưởng chế độ bù chéo giá nay phải chi tiêu nhiều hơn cho tiền điện sử dụng.
Để góp phần hạn chế, giảm thiểu những tác động đột biến, quá bất lợi đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội. Cần thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55 là phải tách bạch giữa giá điện với chính sách an sinh xã hội một cách minh bạch để xử lý một cách phù hợp thông qua việc điều tiết hợp lý các công cụ thị trường như đã nêu trên.
NĐT: Xin chân thành cảm ơn ông!
Tại phiên thảo luận về Luật Điện lực sửa đổi, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đến nay, Việt Nam đã hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh, khi hơn 52% nguồn điện thuộc các tập đoàn ngoài EVN, như PVN, TKV và các nhà đầu tư tư nhân. Hiện EVN chiếm trên 37% tỉ trọng nguồn điện.
Về thị trường bán buôn, chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các hộ dùng điện lớn vừa được ban hành. Đây là cơ sở để vận hành thị trường bán buôn.
Ông Diên cũng cho biết cơ quan này đang nghiên cứu sửa cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, giá điện hai thành phần... những yếu tố cho thị trường bán lẻ điện.
Tuy vậy, Bộ trưởng cho hay "giá điện không thể hoàn toàn theo thị trường, do phải gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa". Tức là, đầu vào dù cao nhưng đầu ra phải có kiểm soát, để đảm bảo kiểm soát và an toàn kinh tế vĩ mô.