Xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ có ý nghĩa gì?
Thông báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc về ý định xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ Chủ tịch nước, mở đường cho Chủ tịch Tập Cận Bình có cơ hội tiếp tục nắm quyền sau năm 2023 đã gây bất ngờ.
Khi các phương tiện truyền thông và giới phân tích nước ngoài còn mải tranh luận về ý nghĩa và truy vấn nguyên do của quyết định này, câu trả lời có thể được suy ra từ phát biểu của ông Tập tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc - bài phát biểu thể hiện rõ những trọng trách nặng nề và cam go trong nhiệm kỳ thứ hai của nhà lãnh đạo 64 tuổi trong vai trò nhân vật đứng đầu đảng.
Vào ngày 18/10, khi đứng trên bục Đại lễ đường Nhân dân và có bài diễn văn kéo dài gần 3 tiếng rưỡi, ông đã đưa ra một tầm nhìn đầy tham vọng trong 30 năm tới.
Trong đó nhà lãnh đạo 64 tuổi đưa ra con số đánh dấu mốc là 2035 - năm mà ông Tập hứa rằng Trung Quốc sẽ cơ bản đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.
Theo Wang Xiangwei, cựu Tổng biên tập tờ South China Morning Post, con số 2035 có lẽ mang một ý nghĩa đặc biệt và cung cấp một đầu mối hấp dẫn giúp trả lời câu hỏi: Nếu được tiếp tục nắm quyền, ông Tập sẽ được ở lại trong bao lâu?
Trên thực tế ở Trung Quốc, trong ba vị trí lãnh đạo mà ông Tập đang nắm giữ, hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch quân ủy Trung ương là không có giới hạn về thời gian. Nhưng hiến pháp nhà nước lại hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước bằng hai nhiệm kỳ trong 10 năm.
Theo tờ The Economist, ông Tập cần có thêm thời gian cho vai trò Chủ tịch nước bởi vị trí này sẽ giúp thể hiện hình ảnh bản thân một cách đầy đủ mà không bị ẩn mình trong hậu trường, như hai vị trí Tổng bí thư và Chủ tịch quân ủy Trung ương.
Về mặt ngoại giao, các chuyến thăm và gặp gỡ lãnh đạo nước ngoài trong vai trò Chủ tịch nước sẽ phù hợp hơn là Tổng bí thư.
Trong khi nhiều quan điểm nói rằng ông Tập đang tập trung quyền lực quá lớn vào tay mình thì một câu hỏi thú vị khác được đặt ra: Việc ông Tập nắm vị trí tối cao sẽ có lợi gì cho sự phát triển của đất nước và cải thiện phúc lợi của người dân?
Câu trả lời này dường như là có. Sau 5 năm mang đến sự lãnh đạo hiệu quả và tầm nhìn vươn xa trong việc đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc lớn đủ sức đối chọi với Mỹ trên nhiều lĩnh vực – nhà lãnh đạo 64 tuổi đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng viên kỳ cựu lẫn mọi tầng lớp chính trị và bị thuyết phục rằng chỉ có ông mới là người phù hợp nhất để đưa đất nước này tiến lên trong vòng 15-20 năm tới.
Điều gì khiến Trung Quốc muốn sửa đổi Hiến pháp?
Theo các nhà quan sát, đề xuất xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Trung Quốc chứng minh sự đồng lòng trong nội bộ chính trị Trung Quốc đối với việc mở đường cho ông Tập có cơ hội tiếp tục công việc còn đang dang dở.
Mặc dù đã có một nhiệm kỳ đầu tiên rất ấn tượng khi từng bước đưa Trung Quốc tiến vào một kỷ nguyên mới, nhưng các mục tiêu đề ra đối với chống tham nhũng, cải cách nền kinh tế còn chưa hoàn thành.
Cùng với đó, ở nước ngoài, Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây đang trong quá trình hình thành một mặt trận thống nhất chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh này, những người ủng hộ ông Tập đã lập luận rằng, việc cho phép ông tiếp tục củng cố quyền lực của mình sẽ là điều kiện đảm bảo sự ổn định chính trị cần thiết và tiếp tục đà cải cách sau năm 2023. Ngoài ra, nó còn giúp tiếp nối thực hiện kế hoạch "Trung Hoa mộng", bao gồm mục tiêu cuối cùng là xây dựng Trung Quốc thành siêu cường vào năm 2050.
Theo giới phân tích, quyết định kéo dài tương lai chính trị của ông Tập được các đảng viên Trung Quốc đồng thuận và đi theo mô hình của các thế hệ lãnh đạo đi trước.
Từ năm 1949, ông Mao Trạch Đông vẫn là lãnh tụ của đất nước cho đến khi ông qua đời vào năm 1976, sau 27 năm lãnh đạo.
Năm 1979, ông Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Quốc và duy trì ảnh hưởng của ông như lãnh đạo tinh thần cho đến khi ông qua đời năm 1997, tổng cộng 18 năm.
Ông Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo đảng vào năm 1989 và sau đó đảm nhận lãnh đạo ba vị trí, trong đó có cả chức vụ Chủ tịch nước và Chủ tịch quân ủy Trung ương.
Nhưng thời đại của ông Giang chỉ bắt đầu vào năm 1997 sau khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời. Mặc dù nghỉ hưu năm 2004 nhưng ảnh hưởng trong hậu trường của ông Giang Trạch Dân vẫn còn kéo dài cho đến tận 2012.
Nếu Đảng cộng sản Trung Quốc đồng nhất trong việc áp dụng lý thuyết lãnh đạo 15 hoặc 20 năm như các lãnh đạo đời trước, ông Tập có thể sẽ nắm vai trò dẫn dắt Trung Quốc cho đến năm 2027 hoặc 2032 - gần với mục tiêu 2035 được đề ra ở trên.
Mặc dù vậy đây chỉ là những dự đoán trên lý thuyết. Trên thực tế, một bài xã luận của tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm của tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một mặt hoan nghênh quyết định loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, mặt khác trích lời một quan chức trong đảng nói rằng sự thay đổi này “không có nghĩa là ông Tập sẽ có một nhiệm kỳ trọn đời”.
Sự thay đổi bình thường?
Theo giáo sư Lawrence J. Lau từ Đại học Trung văn (Hồng Kông), việc không có giới hạn rõ ràng về thời hạn nhiệm kỳ không nhất thiết ngụ ý rằng giới hạn hai nhiệm kỳ hiện tại ở Trung Quốc sẽ bị vượt qua.
Chẳng hạn, trong 162 năm giữa giai đoạn 1789-1951, không có quy định nào giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống ở nước Mỹ.
Dù giai đoạn này từng chứng kiến 33 đời tổng thống phục vụ nước Mỹ, nhưng chỉ có một Tổng thống là Franklin D. Roosevelt, phục vụ hơn hai nhiệm kỳ, bởi Mỹ lúc ấy đang ở giữa cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Mỹ từng có nhiều tranh luận về xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 1985, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và các tranh luận này được coi là điều bình thường.
Giáo sư Lawrence J. Lau cho rằng, quyết định của Đảng cộng sản Trung Quốc có thể đến từ hai lý do:
Chiến dịch chống tham nhũng chưa kết thúc và đảng muốn kéo dài thời gian cho chính quyền hiện hành đi đến cùng. Và lý do thứ hai, chưa có một vị trí kế nhiệm khả quan nào trong vai trò Chủ tịch nước và Đảng cộng sản Trung Quốc muốn để ngỏ một cánh cửa trong 5 năm tới trong trường hợp vẫn chưa tìm ra người phù hợp.
Nhiều nhà phân tích đồng tình rằng, đi theo con đường quyền lực tập trung của Trung Quốc có thể là cách làm cần thiết để duy trì sự bền vững mà nước này muốn có trong quá trình phát triển vài thập kỷ tới.