Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên.
Thông tư mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4, trong đó yêu cầu "không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên".
Tuy nhiên, việc tuyển sinh các lớp không chuyên trong trường THPT chuyên theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung điều 23 và điều 24 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT sẽ được thực hiện hết năm học 2023 - 2024.
Như vậy, với quy định này của Bộ GD&ĐT, các trường THPT chuyên vẫn có thể tuyển sinh lớp không chuyên cho năm học 2023 - 2024 tới, dù thông tư có hiệu lực ngay trong năm học 2022 - 2023 này.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các lớp không chuyên đã tuyển sinh và tổ chức trong trường THPT chuyên tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT cho đến khi học hết lớp 12.
Theo thông tư mới, lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành, gồm: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ, toán, tin học, vật lý, hóa học, sinh học. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
Việc tuyển sinh vào lớp đầu cấp thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT do Bộ GD&ĐT ban hành; bảo đảm lựa chọn được học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập ở cấp THCS, đủ năng lực học tại trường chuyên.
Trường chuyên thuộc tỉnh, hàng năm sở GD&ĐT trình UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, hàng năm, hiệu trưởng trình hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên phê duyệt kế hoạch tuyển sinh.
Chậm nhất 60 ngày trước khi tổ chức thi tuyển, trường chuyên thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trường chuyên và của trường chuyên.
Việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo được vận dụng theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Kết quả tuyển sinh được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trường chuyên và cổng thông tin điện tử của trường chuyên, chậm nhất 3 ngày so với ngày công bố kết quả trúng tuyển.
Theo Quy chế mới, hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trường chuyên thuộc tỉnh) và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường chuyên.
Trường chuyên thuộc tỉnh do Sở GD&ĐT quản lý. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học do cơ sở giáo dục đại học quản lý theo quy định về công tác tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và được quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, chịu sự quản lý của Sở GD&ĐT nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp.
Trước đó, tại Quy chế ban hành kèm Thông tư 06 năm 2012, lớp chuyên và lớp theo lĩnh vực chuyên được quy định không quá 35 học sinh/lớp. Lớp không chuyên vẫn được tổ chức, số lượng không quá 45 học sinh/lớp; đảm bảo số học sinh các lớp không chuyên không quá 20% tổng số học sinh của trường.
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho giáo viên
Đối với Hiệu trưởng trường chuyên, Quy chế mới quy định, ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT, hiệu trưởng trường chuyên cần đáp ứng một số tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền.
Cụ thể, đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường chuyên theo quy định tại Quy chế này.
Hiệu trưởng là người chủ trì đề xuất hoặc tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo phân cấp quản lý; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc đưa ra khỏi trường chuyên đối với giáo viên, nhân viên không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên, mời giáo viên thỉnh giảng, cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, chỉ đạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên. Trong mỗi năm học, tham gia tổ chức ít nhất 1 hội thảo chuyên đề theo quy định tại Quy chế mới.
Tại Quy chế ban hành năm 2012, yêu cầu với Hiệu trưởng trường chuyên là có bằng từ thạc sĩ trở lên; đạt xếp loại cao nhất theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại hiệu trưởng theo chuẩn Hiệu trưởng trường trung học; Có khả năng sử dụng được tin học và ít nhất một ngoại ngữ trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy, giao tiếp;…
Ngoài ra, trong Quy chế ban hành kèm Thông tư 06 năm 2012, Phó Hiệu trưởng trường chuyên được quy định có bằng từ thạc sĩ trở lên; đạt xếp loại cao nhất quy định tại chuẩn hiệu trưởng trường trung học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Trong Quy chế mới, yêu cầu này không còn, thay vào đó là các quy định: Đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt; mỗi năm học tham gia tổ chức ít nhất 1 hội thảo chuyên đề theo quy định tại Quy chế mới.
Cả nước hiện có 78 trường chuyên, 71 trường thuộc quản lý của địa phương, 7 trường thuộc đại học (chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên Khoa học Tự nhiên, chuyên Ngoại ngữ, chuyên Đại học Vinh, chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Phổ thông năng khiếu, chuyên Đại học Khoa học Huế). Trong số này, gần một nửa tuyển sinh lớp không chuyên.
Theo Bộ GD&ĐT, số học sinh chuyên vào năm 2020 khoảng 73.000, chiếm 2,1% tổng số học sinh THPT toàn quốc.
Trúc Chi (theo Chính Phủ, Vnexpress, Thanh Niên)