Đối tượng nào sẽ được xóa nợ?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng suy thoái, ngưng hoạt động, phá sản... việc đảm bảo không phát sinh nợ mới và thu hồi nợ xấu là vấn đề hết sức khó khăn. Một ví dụ mà chi cục Hải quan quản lý hàng gia công (cục Hải quan TP.HCM) cho hay, do bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng gia công rơi vào tình trạng suy thoái, ngưng hoạt động, phá sản... kéo theo số nợ thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Thông tin mới đây từ Bộ Tài chính cho biết, bộ này vừa ban hành dự Thảo thông tư để xin ý kiến về việc hướng dẫn xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007. Có hai nhóm đối tượng được xóa, một là các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ, bị di dời và giải tỏa theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, bệnh tật, già yếu, kinh doanh thua lỗ nên không thanh toán được nợ thuế và hiện đã ngừng kinh doanh.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp Nhà nước đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 cũng được xóa nợ. Doanh nghiệp Nhà nước đã giải thể vẫn phải đảm bảo các điều kiện: Là doanh nghiệp Nhà nước hạch toán độc lập; Có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền. Đối với doanh nghiệp cổ phần đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Các khoản tiền thuế, tiền phạt đề nghị xóa chưa được giảm vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa hoặc thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Nợ thuế kéo dài gây khó khăn cho cơ quan thuế.
Các loại thuế bao gồm: Thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế lợi tức, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp thuộc diện khó đòi phát sinh trước ngày 1/7/2007.
Các loại tiền phạt bao gồm các khoản tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Cụ thể, các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước ngày 1/7/2007 sẽ được xóa toàn bộ khoản tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt phát sinh từ khoản tiền thuế, tiền phạt được xóa.
Được biết, nếu dự Thảo thông tư này được ban hành thì sẽ có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Thông tư số 34/2010/TT-BTC ngày 12/3/2010 của bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp chuyển đổi trước ngày 1/7/2007.
Được xoá cũng phải biết sợ!
Bàn về dự thảo Thông tư này, luật sư Nguyễn Hoàng Lĩnh, đoàn Luật sư TP. Hải Phòng cho rằng: Nợ thuế giống như khối u trên cơ thể con người. Nếu không thể cải thiện tốt hơn được nữa thì buộc phải "cắt" nó đi. Theo luật sư, đây là việc nên làm để cho các đơn vị doanh nghiệp không thể trả nổi tiền thuế yên tâm làm việc. Tuy nhiên khi "cắt", cần phải tìm ra nguyên nhân của khối u đó để biết lần sau tránh mắc phải sai lầm như trước nữa.
Còn theo chuyên gia kinh tế- TS. Nguyễn Minh Phong thì dự thảo Nghị định lần này của bộ Tài chính thể hiện việc Nhà nước sử dụng công cụ tài chính để giảm bớt khó khăn cho người dân, cho doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh như hiện nay thì đây là một tin vui cho nhiều đơn vị đang gặp khó khăn.
Chính sách xóa thuế với đối tượng không có khả năng chi trả có ưu điểm nhưng theo nhiều chuyên gia về đối tượng là doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Luật sư Lĩnh cho hay, chưa đề cập đến góc độ pháp lý, nhưng dưới góc độ xã hội, cần phải nhìn nhận lại. Việc xóa thuế với các doanh nghiệp Nhà nước cần phải cân nhắc thật kỹ. Bởi lẽ thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả dẫn đến giải thể, thất thoát đi lượng tiền lớn của dân. Nếu như quyết định giải thể của đơn vị chủ quản doanh nghiệp đó không khách quan vô tư, mà có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân trong đó thì việc xóa thuế cho đơn vị này sẽ thiệt hại đến lợi ích cộng đồng. Trong khi các thành phần kinh tế tư nhân thì bản thân họ phải đóng góp vào nguồn thu ngân sách, họ phải bỏ tiền túi ra để chi tiêu cho tất cả các hoạt động. Doanh nghiệp Nhà nước được ưu tiên "đủ thứ", vì thế có thể cho giải thể miễn thuế thì phải truy trách nhiệm đến cùng lãnh đạo làm việc không hiệu quả dẫn đến việc doanh nghiệp Nhà nước bị giải thể.
Luật sư Lĩnh cũng cho rằng, dưới góc độ quản lý thì phải truy trách nhiệm đến cùng. Điều này càng cần thiết với những con người được giao quyền quản lý doanh nghiệp Nhà nước. Bởi họ kinh doanh là dựa trên tiền thuế của dân đóng góp. Những người quản lý này phải chịu trách nhiệm và bị truy trách nhiệm đến cùng. Có như vậy thì mới có thể răn đe những người sau không dám làm bừa, làm bậy.
"Giải quyết dứt điểm nhưng phải tạo được tính răn đe chứ không chỉ xóa đi món nợ để doanh nghiệp yên tâm. Nếu không, những trường hợp khác lại đầu tư phung phí, không tính toán kỹ, dẫn đến thua lỗ, tiền của dân bị mất đi mà không phải chịu trách nhiệm", luật sư Nguyễn Hoàng Lĩnh nhấn mạnh.
Luật còn đang "lỏng" TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, luật của chúng ta đang “lỏng” ở chỗ, ngay từ ban đầu, chúng ta không giám sát kỹ nguồn vốn điều lệ, đến khi xảy ra phá sản rồi lại xử lý theo vốn điều lệ. Mà thông thường, số nợ lớn hơn vốn điều lệ rất nhiều nên chỉ có các chủ nợ và xã hội là bị thiệt. "Theo tôi, trong luật Phá sản cũng như trong luật Quản lý Nhà nước, luật Doanh nghiệp nói chung nên có sự điều chỉnh. Chúng ta cần phải có thêm quy định về truy cứu trách nhiệm những cá nhân cố tình vi phạm, để tránh tình trạng lừa bịp, lạm dụng... cũng như tránh tình trạng khi phá sản rồi lại chỉ xử lý trong phạm vi vốn đăng ký là không được". |
Thành Huế