Bí mật cũng bị... bật mí
Theo một số cán bộ kiểm lâm, có nhiều đợt lực lượng kiểm lâm chủ động đề xuất, phối hợp với cấp xã, huyện, ngành tài nguyên - môi trường, công an... để tiến hành truy quét, đẩy đuổi người đào vàng ra khỏi địa bàn. Nhưng, khi vào đến bãi vàng thì y rằng cả một khu vực rộng lớn không còn thấy bóng người. Dù trước đó, qua trinh sát, khu vực này có cả chục máy nổ, với hàng trăm người tham gia đào đãi. Thế nhưng, khi lực lượng kiểm tra vừa rút, thì như có phép màu, cả cánh rừng sôi động, ầm ầm tiếng máy...
Đoàn kiểm tra khui hầm chứa xăng - dầu tại một điểm khai thác vàng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh
"Tôi không dám nêu đích danh lực lượng nào "lật kèo", báo tin cho các chủ bãi vàng, song rõ ràng, cứ mỗi khi "hợp đồng tác chiến hoành tráng" với sự tham gia của nhiều lực lượng là đợt truy quét đó khỏe re. Bởi vào đến nơi thì họ đã dọn dẹp sạch sẽ chiến trường, chôn lấp máy móc, thiết bị, dầu, nhớt...", một cán bộ kiểm lâm tâm sự.
Theo ông Lê Hoàng Sơn, hạt trưởng hạt Kiểm lâm Đông Giang, chiều 7.4, một đoàn kiểm tra của hạt Kiểm lâm Đông Giang phối hợp với Đội kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) mặc thường phục, đi trên 2 chiếc ô tô, bất thần ập vào khu vực khai thác vàng trên khu vực sông Vàng. Sở dĩ đoàn kiểm tra phải ngụy trang như thế, theo ông Sơn là để che mắt đám cảnh giới thường xuyên túc trực. Cuộc tấn công bất ngờ này, đoàn đã phá hủy 7 xe đào, xe múc và 6 máy nổ các loại, đẩy đuổi hàng trăm phu vàng... Song, đến sáng 8.4, khi chúng tôi có mặt tại khu vực trên, mọi hoạt động khai thác vàng vẫn diễn ra bình thường, cứ y như là nơi đây chưa từng có một đợt kiểm tra, truy quét nào cả.
Với quyết tâm truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”, bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, lực lượng kiểm lâm đã nhiều lần phối hợp với các đơn vị, nhưng thực tế kết quả thu được không như mong muốn. "Có đợt chúng tôi lên kế hoạch cụ thể, nhưng khi vào đến nơi thì 20 chiếc máy đào, máy xúc lội sông sang trú tránh ở khu vực khác...", một kiểm lâm ở H.Nam Giang phân bua.
Ai tiếp tay cho “vàng tặc”?
Nói về tình trạng khai thác khoáng sản ào ạt trong thời gian qua, chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết một số địa phương (cấp xã) chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản, nên chưa xử lý triệt để được tình trạng người và phương tiện đưa vào rừng.
Cũng theo chi cục kiểm lâm Quảng Nam, một số đối tượng chủ bãi vàng đưa xe múc, xe đào vào sâu trong rừng, nhiều con đường mới vào rừng được mở, rồi thuê người dân để gùi, cõng hàng, nhiên liệu phục vụ cho khai thác khoáng sản nên khó kiểm soát, ngăn chặn. Để xử lý rốt ráo tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng và các huyện kiểm soát chặt chẽ các điểm bán nhiên liệu (xăng, dầu) cho các đối tượng tại các huyện miền núi; yêu cầu chính quyền cấp xã quản lý chặt chẽ nhân khẩu tạm trú, tạm vắng, xử lý nghiêm minh các trường hợp đưa người và phương tiện vào rừng trái phép, nhất là việc dựng lán trại trái phép trong rừng để buôn bán hàng hóa, thực phẩm phục vụ cho các đối tượng khai thác vàng trái phép. Còn ông Lê Văn Luyến, Phó chủ tịch UBND H.Đông Giang thì cho rằng, trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng là của lực lượng kiểm lâm huyện; UBND các xã, thị trấn, chủ rừng còn buông lỏng trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Vì chồng chéo, thiếu trách nhiệm trong quản lý, truy đuổi, xử lý vàng tặc, nên những cánh rừng nguyên sinh ở các huyện miền núi Quảng Nam đang bị cày xới, truy bức mỗi ngày.
Biết rõ chủ bãi nhưng ngại... đụng chạm Theo những cán bộ kiểm lâm, TN-MT ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, hầu hết các bãi, điểm, khu vực khai thác vàng sa khoáng, vàng hầm đều xác định được danh tính cụ thể của từng chủ bãi vàng lẫn người đứng sau "chống lưng". Thậm chí qua trinh sát, điều tra, đã xác định được quy mô, phương thức khai thác, số lượng phu vàng, số máy nổ, số xe đào, xe múc, lán trại... ở từng khu vực khai thác vàng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, việc truy quét, đẩy đuổi vàng tặc của các đơn vị chức năng cũng "chọn mặt mà bắt hình dong", chỉ thực sự mạnh tay với những chủ bãi yếu bóng vía! Đơn cử như khu vực PêtaPot, chỉ cách UBND xã Đắk Pring chừng 3 giờ đi bộ, là nơi có 4 - 5 máy đào, xúc hoạt động rầm rộ với hàng trăm nhân công, thì không thấy ai đả động... |
Theo Thanh niên