Không có khe suối, nhánh sông nào ở các huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn không bị cày xới, xâm hại nghiêm trọng bởi nạn đào đãi vàng.
Phu vàng tàn sát rừng nguyên sinh
Nỗi đau sông Vàng
Từ làng Láy (xã Tư, H.Đông Giang) men theo con đường mòn vòng quanh những quả đồi, những đỉnh núi hiếm hoi còn phủ màu xanh, chúng tôi tiếp cận sông Vàng sau gần tiếng đồng hồ chạy xe máy. Làng Láy không xa lạ gì với các quan chức từ xã Tư, chính quyền H.Đông Giang, của ngành kiểm lâm hay công an, bởi làng này xưa nay vốn là địa bàn hoạt động của những đầu nậu chuyên làm vàng sa khoáng. Dọc theo sông Vàng, nghe ầm vang tiếng máy nổ, những vòi nước áp lực mạnh xới tung triền sông, trong khi những ống hút loại phi 20 liên tục hoạt động đưa đất, cát, cả đá sỏi vào máng đãi vàng. Sau máng, dòng nước đục ngầu ào ạt tuôn trào, đẩy hết lớp đá sỏi này đến lớp đá sỏi khác ra sông, vun thành từng đống cao ngất...
Cứ 10 - 15 phút đi bộ lại thấy một tổ bơm hút đãi vàng. Mỗi tổ máy nổ có từ 5 - 10 người làm việc cật lực từ sáng đến chiều, tối, thay phiên nhau lật tung từng lớp đất, cát tạo nên những đồi đá, những hố sâu nham nhở nước đỏ quạnh nổi đầy váng dầu, mỡ và những hang, hàm ếch ăn sâu vào bờ, quật ngã những cây gỗ lớn. Chưa hết, ở những quả đồi gần sông cũng xuất hiện cảnh khai thác vàng trái phép bằng máy nổ kèm theo là những vạt rừng, có cây hơn cả một vòng tay ôm bật gốc, ngã nhào.
Phu vàng dựng lán trại giữa rừng nguyên sinh để tìm vàng
Càng vào sâu trong rừng, vùng giáp ranh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng (Khu bảo tồn Bà Nà - Núi Chúa) mới thấy hết nỗi đau của sông Vàng. Trong khu vực này, những tay làm vàng không chỉ sử dụng máy nổ, máy hút bình thường mà còn ngang nhiên đưa cả máy đào, máy xúc hạng nặng vào oanh tạc y như nơi đây là cõi riêng, không ai quản lý. Với sự có mặt của thiết bị cơ giới hạng như vậy, mức độ tàn phá rừng, sông, suối không thể diễn tả hết.
"Chúng tôi cũng không biết làm cách nào mà họ đưa được cả máy xúc, máy đào vào tuốt trong nớ. Anh em ở xã kiểm tra gắt lắm, người lạ mà tới là xã biết liền" Ông Nguyễn Văn Ngàn, bí thư đảng ủy xã Tư, H.Đông Giang |
Ông Nguyễn Văn Ngàn, bí thư Đảng ủy xã Tư, H.Đông Giang nói: "Chúng tôi cũng không biết làm cách nào mà họ đưa được cả máy xúc, máy đào vào tuốt trong nớ. Anh em ở xã kiểm tra gắt lắm, người lạ mà tới là xã biết liền". Nhưng ông cũng nhìn nhận, ở xã Tư, hiện đang nổi lên nhiều điểm nóng khai thác vàng trái phép như ở thôn Điềm, Nà Hoa, Hang Chuột, làng Láy, Bãi Cỏ, làng Vàu và có cả nghìn người ở khắp nơi, nhất là khu vực các tỉnh phía bắc đổ xô vào.
“Công trường” giữa rừng
Từ khe Vinh (thuộc xã Tà Pơo, H.Nam Giang) men theo bờ suối, đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ, chinh phục Dốc Mây trơn trượt, dựng đứng, rất nhiều vắt, muỗi rừng, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được một số điểm khai thác vàng ở khe Tà Vạt, rồi Vàng Xanh, khe Thạnh Mỹ 1, Thạnh Mỹ 2, Thạnh Mỹ 3...
Giữa rừng núi âm u, được coi là vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, nhưng nơi đây không khác gì một công trường quy mô lớn với tiếng máy nổ ì ầm, những miệng hầm toang hoác ăn sâu vào lòng núi và những chiếc xe đào, xe ủi vận hành suốt ngày đêm. Trên đường vào những khu vực khai thác vàng trái phép, chốc lát, chúng tôi bắt gặp từng nhóm phu vàng, từ 3 - 5 người men theo suối, vác ba lô, lầm lũi đi vào. Trên lưng cõng đủ thứ, từ gạo, mắm, muối, cho đến những chú gà, chú vịt còn sống. Trong những cánh rừng ven khe, suối, những lán trại tạm bợ được dựng lên, bên trên sử dụng bạt che mưa nắng, làm chỗ nghỉ ngơi.
Điều làm nhiều người ngạc nhiên, là không hiểu làm thế nào mà các thiết bị hạng nặng, hàng chục phuy dầu loại 220 lít/thùng để cung cấp cho các máy đào, máy xúc, máy ủi này lại được vận chuyển, tập kết vào tận rừng sâu, bất kể ở nhiều cửa rừng luôn có lực lượng từ cấp xã, đến huyện kiểm tra thường xuyên. Không sót bờ suối, khe nước nào trong vùng lõi khu bảo tồn không bị vàng tặc tấn công, truy bức. Ở suối, khe là nơi hoạt động của các nhóm vàng sa khoáng, cày xới tưng bừng ven suối. Trên những quả đồi, núi cao, là điểm tập kết của những người chuyên khai thác vàng hầm. Muốn có cây chống hầm vàng, dựng nhà ở, không còn cách nào khác là các phu vàng phải triệt hạ cây xanh, bất kể lớn nhỏ. Còn ven suối, những cây lớn vài vòng tay ôm cũng bị đốn hạ, trơ cả gốc.
Đoàn Văn Tĩnh, một phu vàng quê Nam Định, chuyên "cày bừa" ở khe Tà Vạt thanh minh: "Mấy bữa nay động do đang có đoàn kiểm tra, nên chúng em nghỉ ngơi, rút vào rừng sâu nằm chờ là chính, lâu lâu mới nổ máy "quất vài phát" kiếm cơm qua ngày". Còn N.Đ. Sơn, 23 tuổi, phu vàng quê Quế Thuận (H.Quế Sơn, Quảng Nam) đang làm cho một chủ bãi người Quế Sơn ở khe Thạnh Mỹ 1, cho biết: "Mỗi ngày chủ bãi trả công từ 200.000 - 300.000 đồng/người và bao cả ăn uống. Làm ngày nào, tính công ngày đó, sòng phẳng, không để nợ".
Vàng tặc ở khắp nơi Theo ông Nguyễn Trí, phó giám đốc phụ trách BQL Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh, qua điều tra sơ bộ của anh em kiểm lâm Nam Giang, tình trạng đào đãi vàng trái phép diễn ra đều khắp ở hầu hết các xã thuộc Nam Giang, Phước Sơn như khe Vinh, Tà Vạt, khe 85, khe 14, Thành Mỹ 1, 2, 3, khe Đá, Vàng Xanh, đồi 5 tầng, bãi Voi, khe Lào, bãi Cần Cẩu; tiểu khu 376, 377, 378, 379, khu PêtaPot thuộc xã ĐắkPring; khe Ring, khe Cọp, bãi Gió. Có nơi như khe Cọp (vùng giáp ranh giữa hai huyện Nam Giang và Phước Sơn) những tay đầu nậu còn tự ý phân chia làm 8 chủ bãi, với trên 20 máy đào, máy xúc, hàng trăm máy nổ các loại hoạt động suốt ngày đêm. Có nhiều điểm, chủ bãi vàng mở đường vào bãi không khác gì cảnh nhà nước đầu tư mở đường dân sinh. |
Theo Thanh niên