“Xóm 5 không” biệt lập với thế giới bên ngoài

“Xóm 5 không” biệt lập với thế giới bên ngoài

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

(Nguoiduatin) Tối đến cả xóm chìm trong màn đêm với ánh sáng leo lắt của chiếc đèn dầu hắt qua những kẽ vách nứa.

Không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch đó là thực trạng của “xóm 5 không” ở Xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai. Cả xóm chỉ có vỏn vẹn 29 hộ gia đình. Đa phần họ là người dân tứ xứ về lập nghiệp từ những năm 1980. Ở đây, người dân vẫn không được sử dụng các vật dụng như tivi, radio, và họ hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài.

Xã hội - “Xóm 5 không” biệt lập với thế giới bên ngoài

Họ phải chắt chiu từng giọt nước.

Tận cùng của sự thiếu thốn

Vượt hơn 100 cây số từ TP. HCM cuối cùng chúng tôi đã đến được với xóm Be 18, thuộc ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, nơi vẫn được người ta gọi là “xóm 5 không”. Giữa cái nắng như đổ lửa, con đường đất đỏ dẫn vào xóm không một bóng người qua lại. Nằm cách trung tâm thị trấn Vĩnh An khoảng 30 Km, nhưng người dân nơi đây phải sống trong hoàn cảnh rất khó khăn. Họ phải sống trong khu đất của Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nên nhà cửa được dựng rất tạm bợ.

Được biết, trước đây hầu hết hộ dân ở xóm Be 18 đều là công nhân trồng và chăm sóc cây cho Lâm trường Mã Đà. Năm 1986 lâm trường đóng cửa khiến công nhân mất việc. Để tìm kế sinh nhai, họ chuyển sang trồng mì và trồng điều trên khu đất của Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích huyện Vĩnh Cửu cho mượn. Ý thức được cuộc sống cực khổ, bà con xóm Be 18 ai cũng chăm chỉ làm ăn. Nhiều lần bà con đem một số loại cây về trồng thử nghiệm nhưng vẫn không có kết quả. Do vậy, quanh năm suốt tháng nương rẫy của bà con chỉ trồng được mì và điều nhưng cũng không phát triển tốt tươi. Bởi khu vực này được bao phủ bởi lớp đất cát khô và nóng nên rất ít loại cây có thể mọc được.

Để có thêm nguồn thu nhập trang trải cho gia đình họ phải vào rừng tìm mủ gỗ trò đem bán cho một số điểm thu mua ngoài thị trấn. Đến mùa ươi họ lại cơm đùm cơm nắm lang thang trong rừng nhặt từng quả đem về phơi khô. Cưộc sống của họ cứ thế lặng lẽ trôi đi.

Ban ngày vào “xóm 5 không” người ta còn thấy tiếng trẻ con nô đùa nên không khí của xóm nghèo cũng bớt đi sự tẻ nhạt. Tối đến cả xóm chìm trong màn đêm với ánh sáng của những chiếc đèn dầu leo lắt hắt qua những kẽ vách nứa.

Bà Thu ba là một trong những người đến sinh sống đầu tiên ở đây cho biết: “Ngày đi làm ở rẫy khoai mì, vườn điều, tối về cả nhà làm bạn với bếp lửa và ngọn đèn dầu. Sống ở đây về đêm buồn lắm, nhìn khắp xóm chỗ nào cũng tối đen như mực, không gian tĩnh mực đáng sợ lắm. Trẻ con chẳng đứa nào dám ra khỏi nhà vào ban đêm. Nhà nào vợ chồng khỏe mạnh làm kiếm được nhiều tiền hơn mới dám dùng bình sạc ác quy, còn không cứ bám lấy cái đèn dầu mà thôi”. Cả xóm chưa có đến 5 cái radio nhỏ dùng bằng pin. Mỗi lần mở đài, bà con phải leo lên cây điều, cây mít gần nhà để bắt sóng. Còn tivi bà con không dám mơ tới vì từ trước đến giờ cả xóm chưa lần nào được thắp sáng bằng đèn điện. Điều đặc biệt, trong cái xóm nghèo này cũng không có một chiếc điện thoại.

Ở xóm Be 18 người dân phải thức dậy từ tờ mờ sáng quảy thùng đi gánh nước sinh hoạt. Cả xóm chỉ có một chỗ lấy nước duy nhất là cái hồ cách xóm chừng 500m được khu bảo tồn thuê máy đào để chữa cháy rừng vào mùa khô. Nguồn nước không mấy sạch nhưng bà con vẫn sử dụng để nấu ăn, giặt, tắm rửa… Còn những lu nước sạnh bên hiên nhà mà bà con có được là nhờ vào những trận mưa lớn.

Những lần đau ốm, người dân tự chế ra thuốc hoặc uống những viên thuốc ở trạm xá cách đây hàng chục cây số từ vài tháng trước còn sót lại. Cả xóm có 29 hộ dân nhưng chỉ duy nhất có một hộ là con cái được học hành tới cấp 3. Chị Lê Thu Diễm tâm sự: “Trẻ con xóm này muốn đi học phải vượt qua hơn 30 cây số mới tới điểm trường gần nhất là Trường Mã Đà. Hoàn cảnh khó khăn, đường xá đi lại khó khăn, thiếu thốn phương tiện nên hầu hết các gia đình đều cho con nghỉ học.

Xóm nằm biệt lập trong rừng

Đường sá đi lại khó khăn nên các sản phẩm nông nghiệp do bà con làm ra được lái buôn thu mua với mức giá thấp hơn so với nhiều nơi khác. Ngày công lao động của những người làm thuê cũng bị trả rẻ mạt. Chị Thu Diễm nói thêm: “Một ngày công cạo mì, nhổ mì của phụ nữ chỉ được trả với 80 ngàn, đàn ông làm khỏe hơn thì được thêm 20 ngàn nữa. Trong khi đó, người lao động phải làm từ sáng đến tối và thường xuyên ở ngoài nắng. Người dân yêu cầu trả thêm thì họ không đồng ý, phàn nàn nhiều họ bảo sẽ thuê người khác. Sợ mất vệc nên bà con đành cam chịu”.

Mong muốn thoát nghèo, mong muốn được mở mang tầm mắt, nhiều thanh niên trong xóm đã ra ngoài làm thuê nhằm đỡ đần bố mẹ. Thế nhưng, những thanh niên này vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các bạn ở những nơi khác. Do trình độ học vấn thấp nên các anh phải làm việc nặng, và tiền lương nhận được khiêm tốn hơn.

Thực tế, có rất nhiều người đã từng sinh sống tại xóm Be 18. Tuy nhiên, do thiếu thốn mọi bề, nên một số người đã bỏ đi nơi khác làm thuê rồi không trở lại xóm nữa. Trao đổi với phóng viên Người đưa tin, ông Trần Đức Sơn, Phó chủ Tịch UBND xã Mã Đà nói: “Hiện tại trên địa bàn xã Mã Đà tồn tại không ít những “xóm 4 không” và “5 không” như thế. Hầu hết, các xóm này đều nằm biệt lập trong rừng sâu nên cuộc sống hết sức khó khăn. Theo kế hoạch của UBND huyện trong vòng 4 năm tới chính quyền sẽ di dời những xóm nằm sâu trong rừng ra ngoài này để họ ổn định cuộc sống. Vì vậy, người dân nên kiên nhẫn chờ đợi”.

Vừa cạo mì vừa bảo vệ rừng

Vì sống nhờ vào rừng, được sự trở che của núi rừng nên bà con xóm Be 18 ngày đêm bảo vệ rừng. Vào mùa khô hạn, thỉnh thoảng Khu bảo tồn xảy ra cháy rừng. Để tiện theo dõi người dân đã làm những chiếc lều trên các cây gỗ cao. Ngồi trên các ngôi lều đó người dân vừa có thể cạo mì vừa có thể quan sát rừng nếu có lâm tặc xâm phạm hay xảy ra các vụ cháy rừng. Họ hát hiện và nhanh chóng báo cho lức lượng kiểm Lâm ra tay xử lí kịp thời.

Quyên Triệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.