"Xóm bụi" giữa lòng Thủ đô và những đứa trẻ nghèo

"Xóm bụi" giữa lòng Thủ đô và những đứa trẻ nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Trẻ em "xóm bụi" lam lũ mưu sinh dưới những đống rác đang cháy dở nhưng không phải vì thế mà ước mơ của chúng cũng lịm dần.

"Xóm bụi" thuộc tổ 7, phường Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đó là những chiếc thuyền nằm thu mình dưới chân cầu Long Biên, ven con sông Hồng đỏ nặng phù sa. Sở dĩ được gọi là "xóm bụi" vì nơi đây tập trung những gia đình tứ xứ, từ khắp nơi đến như Thái Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa... Họ dựng những chiếc thuyền lều trôi nổi trên sông, sống tạm bợ qua ngày. Mỗi nhà một hoàn cảnh nhưng họ có điểm chung là nghèo, phải vật vã từng ngày kiếm lối mưu sinh.

Pháp luật - 'Xóm bụi' giữa lòng Thủ đô và những đứa trẻ nghèo

Đối với những đứa trẻ này, tết Trung thu là một điều ước xa xỉ

Vật vã mưu sinh ở tuổi đến trường

Gọi là xóm nhưng thực ra chỉ là mấy chiếc thuyền quanh năm suốt tháng lênh đênh trên mặt nước. Nghề nghiệp chính của những người dân "xóm bụi" là nhặt rác ở chợ Long Biên và chài lưới. Những ngày nước lớn, họ lên bờ làm cửu vạn, đứng ở chợ lao động. "Ngày nắng cũng như ngày mưa, những cư dân "xóm bụi" đều phải quần tảo ở chợ Long Biên nhặt nhạnh những thứ mà người khác vứt đi mới mong đủ ăn. Cuộc sống của người dân nơi đây khổ cực trăm bề", ông Minh, trưởng "xóm bụi" cho biết.

Cả xóm có tất cả 14 gia đình, trong đó có 16 trẻ em đang ở độ tuổi đến trường. Những đứa trẻ nơi đây ngay từ khi vừa tròn 6 tháng tuổi đã được đi theo đến khắp các ngõ ngách, triền sông, bến bãi để "học nghề". Khi lớn lên, khác với những đứa trẻ bình thường, thứ "vắc-xin" mà chúng được "tiêm" vào người là nắng, gió và mùi ngai ngái của rác thải. Và, hành trang vào đời của chúng là những ngày tháng lang thang cùng bố mẹ kiếm sống. Chính vì thế mà những đứa trẻ nơi đây thường lớn hơn so với số tuổi thực của mình. Trẻ con "xóm bụi", 9 đến 10 tuổi đã trở thành lao động trong gia đình. Hàng ngày, chúng tranh thủ dậy sớm để ra chợ đầu mối Long Biên nhặt nhạnh những thứ mà người ta bỏ đi để bán kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.

Hôm nay, em Hiền, 9 tuổi (con chị Nguyễn Thị Lan, 32 tuổi, một cư dân "xóm bụi") phải nghỉ làm vì bị đau chân. Nói chuyện với chúng tôi, Hiền kể: "Có những hôm em theo mẹ ra chợ Long Biên từ 2h sáng để nhặt nhạnh những con tôm, con tép rơi vãi từ kho hàng của những người buôn bán thủy sản. Đến 6h, em về trước đi học. Mỗi buổi sáng, em và mẹ kiếm được 20.000 đồng". Những ngày đầu đi làm, sáng sớm, thấy hai bóng người lù lù đi vào, bảo vệ chợ Long Biên tưởng trộm đuổi đánh. Lúc biết hai mẹ con Hiền vào nhặt đồ rơi vãi, họ cũng thông cảm và nhắm mắt làm ngơ.

Cô Lĩnh, một người dân thuộc "xóm bụi" nói với giọng buồn tủi: "Nhiều đứa trẻ trong xóm vì bận kiếm miếng cơm manh áo mà không được đi học. Thời gian của chúng dành hết cho việc phụ bố mẹ mưu sinh. Hơn nữa, đối với người dân nơi đây, tiền ăn còn không có nói gì đến tiền đóng học phí. Nhiều đứa đang ở tuổi ăn, tuổi học mà phải lăn lộn trên các ngả đường để làm đánh giầy, bán dép, bán kem, ăn xin...".

Có lẽ thế mà bài học "vỡ lòng" gắn liền với chúng không phải là các bảng chữ cái hay những con số thông thường mà là những buổi tập bơi, tập lặn, tập quăng chài, thả lưới hay học xem nơi nào kiếm được nhiều ve chai… "Lớp học" này dạy chúng cách tồn tại, cách mưu sinh qua ngày. Theo lời chỉ dẫn của chị Lĩnh, tôi đến gặp gia đình anh Tú, quê Vĩnh Phúc. Anh Tú đến "xóm bụi" từ năm 1998. Theo những cư dân trong xóm, đây là gia đình có hoàn cảnh éo le và cũng là "thổ công" của xóm.

Chúng tôi gặp anh Tú trong căn lều méo mó được dựng lên bằng những cây luồng ọp ẹp và những tấm bờ-rô xi măng chắp vá lởm chởm. Trong nhà anh chỉ có mỗi cái giường là có giá nhất. Nó vừa là nơi cho vợ chồng và các con nghỉ ngơi cũng vừa là phòng khách. Nói chuyện với chúng tôi, anh Tú cho biết: "Gia đình tôi đến "xóm bụi" từ năm 1998. Tôi vốn bị bệnh phổi nên sức khỏe yếu, chỉ làm được những việc nhẹ. Đã từ lâu, những việc nặng vợ tôi và ba đứa con gánh vác. Đứa lớn nhất là cháu Mai năm nay mới 12 tuổi". Được biết, năm 2008, gia đình anh Tú đón thêm hai đứa cháu xuống ở cùng vì "bố mẹ chúng đã mất". Anh Tú tâm sự: "Ăn còn không đủ thì lấy đâu ra tiền cho các cháu đi học. Mỗi sáng ra ngoài đường thấy họ chở con đi học, nghĩ đến con mình đang phải ở nhà nhịn đói, lặn hụp mò cua bắt cá mà ruột gan như thắt lại…".

Pháp luật - 'Xóm bụi' giữa lòng Thủ đô và những đứa trẻ nghèo (Hình 2).

Những đứa trẻ đang phải đánh vật với cuộc sống mưu sinh

"Trung thu là gì hả mẹ?..."

Cách phố Hàng Mã, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân khoảng chừng mấy trăm mét, trái ngược với không khí ồn ào náo nhiệt khi Tết Trung Thu, người dân nơi "xóm bụi" lại rôm rả bởi họ hỏi nhau xem hôm nay nhặt được nhiều rác, đứa trẻ nào trong xóm bắt được nhiều cá nhất. Khi tôi đang trò chuyện với chị Lĩnh hỏi xem nơi đây chuẩn bị Tết Trung thu cho các cháu như thế nào thì cậu bé Việt Anh (8 tuổi) con chị Lĩnh ngơ ngác không hiểu hỏi: "Trung Thu là cái gì hả mẹ?". Chị Lĩnh vội chữa ngượng "Trung Thu là ngày chú Cuội lên cung trăng gặp chị Hằng". Rồi chị quay sang nhìn tôi trả lời: "Trung thu, ai chẳng muốn sắm cho con cái lồng đèn, mua cho chúng quà bánh phá cỗ. Nhưng gia đình tôi nghèo quá. Tiền mua gạo nhiều khi còn không có nói gì đến bánh trung thu. Đi dọc đường, nhìn thấy những ông bố bà mẹ mua quà bánh cho con mà lòng tôi đau nhói".

Ông Bình, tổ trưởng tổ 7 phường Phúc Xá bảo rằng, đời sống của các hộ dân thuộc "xóm bụi" còn nghèo khó lắm. Họ ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm thì làm sao tổ chức trung thu cho các con em được. Năm nào phường cũng cử người đại diện xuống để thăm nom, tặng quà cho các cháu ở đó khi mỗi dịp trung thu về. Một mâm cỗ trông trăng với bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả và các loại đồ chơi Trung Thu tưởng chừng là niềm hạnh phúc giản đơn và tất yếu với mọi em nhỏ vào dịp rằm tháng 8. Thế nhưng, với những đứa trẻ ở "xóm bụi" thì đây thực sự là một điều khát khao và nó chỉ đến trong mơ ước của các em.

Cuộc sống lam lũ vất vả nơi đây đã cuốn bọn trẻ vào vòng xoáy mưu sinh. Chúng có rất ít thời gian để chơi, để nô đùa, để nghĩ tới Trung thu. Đang ở tuổi ăn, tuổi chơi nhưng chúng lại phải lăn lộn lo toan miếng cơm manh áo. Nhiều khi đi nhặt rác ngang qua phố, bọn chúng đứng hàng giờ đồng hồ ngắm nghía đồ chơi, những chiếc bánh trung thu và cười một mình. Phải chẳng chúng đang ước mơ được cầm những chiếc lồng đèn chạy dưới ánh trăng và được còng bố mẹ phá cỗ trung thu.

Những ước mơ còn dang dở

Trẻ em "xóm bụi" lam lũ mưu sinh dưới những đống rác đang cháy dở nhưng không phải vì thế mà ước mơ của chúng cũng lịm dần như ánh lửa tàn kia. Trong lòng bọn trẻ nơi đây, đứa nào cũng có những điều ước cho riêng mình nhân ngày Trung thu. Đó là những giấc mơ bình dị làm lay động lòng người.

Anh Tú chia sẻ: "Được cái, hiểu hoàn cảnh gia đình nên cũng không đứa nào vòi vĩnh, kêu ca. Chúng không đòi bố mẹ mua đồ chơi". Thấy bố nói thế, bé Mai rụt rè kể về những ngày trung thu mọi năm trước: "Mấy đứa bọn em thường la cà ở phố Hàng Mã xem họ có đánh rơi hay ném đi thứ đồ chơi gì thì nhặt về chơi". Mặc dù mới lên bảy tuổi nhưng Mai không chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Em mong bố mau chóng khỏi bệnh để có sức khỏe giúp mẹ bớt đi phần khó nhọc. Về phần mình, Mai ước được "cắp sách đến trường như cái Lan Anh, cái Huyền, thằng Huỳnh sống ở trên bờ… "Sau này em muốn trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo không có tiền đi bệnh viện như nhà chú Học, bác Tâm, bác Lĩnh ở xóm em", Mai nói với chúng tôi trong sự háo hức đến lạ thường.

Những đứa trẻ "thi gan" với "thủy thần"

Rời khỏi "xóm bụi", chúng tôi bị ám ảnh bởi những đứa trẻ mặt đầy bùn đất đang ngụp lặn dưới sông để mò cua bắt ốc. Trên bờ, những cậu bé đen nhẻm đang chờ anh chị mình đánh vật với "thủy thần" kiếm đường mưu sinh. Không ai biết được, tương lai của chúng sẽ như thế nào. Liệu chúng đi có theo vết xe của cha, mẹ mình, ngày ngày phải lặn lội ở những bãi rác, hay trên những con thuyền nan phó mặc cuộc đời cho số phận đẩy đưa…

Trung Tuyến


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.