Ngày nay, tưởng như những làng nghề xa xưa trên đất Sài Gòn phồn hoa đã biến mất, thế nhưng nơi góc nhỏ quận 8 lại có một cơ sơ sản xuất những bếp nấu củi bằng đất nung mang tên Hưng Lợi được nhiều người biết đến. Đó là cơ sở của ông Trần Văn Tiếp (hay còn gọi là ông Năm Tiếp).
Nghề truyền thống bị mai một
Được biết, trên con kênh Phú Định (quận 8, TP.HCM), lúc trước, khoảng những năm 1970 có đến trên 40 cơ sở sản xuất bếp lò bằng đất nung, trải dọc cả con kênh Ruột Ngựa và kênh Phú Định. Nhưng theo thời gian, do tốc độ của quá trình đô thị hóa, làng nghề làm bếp lò bằng đất nung đã bị mai một, bởi cuộc sống hiện đại với những chiếc bếp gas, bếp điện đã trở nên thịnh hành.
Thế nên, chỉ duy nhất một cơ sở sản xuất của ông Năm Tiếp còn hoạt động đến tận bây giờ. Được biết, ông Năm Tiếp đến với cái nghề làm bếp lò đất từ rất sớm, khi ông mới 10 tuổi.
Do gia đình để lại cho ông một mảnh đất 2.000 m2 để làm ăn nhưng ông không chọn nghề khác để kinh doanh mà quyết định chọn gây dựng cơ sở sản xuất bếp lò, cái nghề mà ông đã gắn bó suốt tuổi thơ của mình.
Bởi có thế người ta mới cảm nhận được sự đam mê thực sự của những con người Sài Gòn xưa đối với cái nghề này. Đó là sự nhiệt huyết và yêu nghề thực sự. Bởi chính cái nghề này đã nuôi sống biết bao nhiêu con người ở ‘xóm giữ hồn Ông Táo’ nơi đây.
Có đến đây, bạn mới thật sự cảm nhận được lòng yêu nghề, đam mê của ông Năm Tiếp cũng như của những nghệ nhân tại ‘xóm giữ hồn Ông Táo’ như thế nào. Từ hình ảnh đôi bàn tay khéo léo, những giọt mồ hôi đầy trên khuôn mặt nhưng lúc nào cũng luôn lạc quan, nhiệt huyết gắn bó cuộc đời mình với cái nghề "tay lấm chân bùn".
Hơn nửa đời người gắn bó với nghề
Tôi tìm đến "xóm giữ hồn Ông Táo" theo sự chỉ đường của một bác xe ôm. Hình ảnh đầu tiên mà tôi bắt gặp khi đến xóm là một người đàn ông chừng hơn 50 tuổi đang ngồi cặm cụi nắn từng chiếc đế cho bếp lò đất giữa trời nắng to.
Khi tôi cất lời chào, vì quá tập trung nên người đàn ông chỉ vội cười và chỉ tôi đi thẳng vào trong "xóm". Khung cảnh xung quanh của "xóm giữ hồn Ông Táo" khiến tôi nhớ đến quê nhà của mình, một không khí thật yên tĩnh như hoàn toàn tách biệt với sự tấp nập của dòng người đang chen nhau để mưu sinh.
Được biết, chú Năm Tiếp là người có nhiều thâm niên trong nghề và cơ sở sản xuất bếp lò đất cũng đã có cách đây hơn 40 năm. Tuy diện tích không quá lớn song lại là nguồn thu nhập chính của hơn 30 nghệ nhân lao động đang làm việc tại ‘xóm’.
Để làm ra một bếp lò hoàn hảo đòi hỏi những nghệ nhân phải thật khéo léo cũng như có nhiều kinh nghiệm. Do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng nên ngoài chất lượng thì mẫu mã cũng rất quan trọng.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Du Tấn Phương (SN 1964) với hơn 30 năm trong nghề, để làm ra một bếp lò đất phải trải qua rất nhiều công đoạn. Từ trộn đất với tro cho không bị dính khi bỏ vào khuôn tạo kiểu, nặn ba đầu bếp, làm vĩ cho lòng lò, gọt kiểu, phơi nắng, đến nung trong lò, bọc thiếc,...
Một sản phẩm khi đem vào nung phải mất đến 2 ngày mới xong. Và nguyên liệu để nung phải bằng vỏ trấu. Để cho nhiệt độ được đảm bảo, người nghệ nhân phải canh độ nóng cho lò bởi nếu như thiếu nhiệt độ thì bếp sẽ dễ bị bể và màu không được đều. Sau khi đã nung xong công đoạn cuối cùng trước khi giao cho khách hàng, người nghệ nhân phải sơn màu và bọc thép để đảm bảo mẫu mã theo yêu cầu của người sử dụng.
Nhìn đôi bàn tay khéo léo gọt tạo kiểu cho bếp lò đất, những giọt mồ hôi lăn khắp khuôn mặt khi nung lò, hay những tấm lưng đứng giữa trời nắng để canh cho những bếp lò đất được đủ nắng, tôi cảm nhận được cuộc sống mưu sinh của những người nghệ nhân cực khổ như thế nào. Thế nhưng họ vẫn yêu đời, yêu nghề, đam mê với nghề mãi đến tận bây giờ trên mảnh đất Sài Gòn đắt đỏ.
Hằng ngày dù trời nắng hay mưa, cơ sở sản xuất bếp lò đất của ông Năm Tiếp vẫn luôn luôn nhộp nhịp và tất bật cho ra những bếp lò đất đi khắp cả trong lẫn nước ngoài.
Ngọc Nhiên