Xóm mù chữ giữa lòng Hà Nội

Xóm mù chữ giữa lòng Hà Nội

Thứ 2, 08/04/2013 15:14

Chỉ cách trung tâm Hà Nội tầm 1,5km nhưng những phận người nơi xóm chài nghèo khó đã làm không ít người cảm thấy xót xa. Sự thiếu thốn về vật chật làm người lớn đã khổ, trẻ con rơi vào cảnh này lại càng khiến lòng người không khỏi xót thương...

Những phận đời chắp vá để mưu sinh

Những "xóm thuyền nổi" nằm ngay dưới chân cầu Long Biên ấy đã hình thành gần 20 năm nay. Khi chợ Long Biên thành chợ đầu mối lớn nhất Thủ đô thì những xóm chài ấy lại càng được mở rộng. Giữa phố xá nhộn nhịp, mua bán ồn ào, những phận đời vẫn lặng lẽ để sinh tồn. Sống giữa sông nước, nhưng không nhiều người trong số họ làm nghề liên quan đến con tôm, con cá. Những cái tên như Phúc Xá, An Xá, Phú Thượng, Ngọc Thụy, Bãi giữa... là tên gọi quen thuộc của những xóm "không miếng đất cắm dùi" này.

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Từ cầu Long Biên, muốn đến thăm xóm chài nổi bên sông Hồng, chúng tôi đã phải đi bộ qua một bãi bồi của người dân phường Phúc Xá, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhìn từ xa, những con thuyền neo đậu ven sông như những tô vẽ bao diêm đủ sắc màu bởi những chiếc bạt quảng cáo, mà người dân tận dụng vào để làm mái và vách cho thuyền. Cách xóm khoảng 300m, chúng tôi đã nghe tiếng trẻ con ríu rít chơi đùa. Bác Minh - người dẫn đường cho chúng tôi cho biết: "Giờ này mà ở trên bờ là lũ trẻ được đến trường đi học, nhưng ở cái xóm "lênh đênh" này, chúng đều không được đến trường, cứ sau bữa cơm trưa là chúng lại tụ tập nhau, chơi ở bãi bồi, hay lớn hơn chút là giúp bố mẹ lao động việc  nhà.

Xã hội - Xóm mù chữ giữa lòng Hà Nội

Những ngôi nhà "lênh đênh" ven sông Hồng.quá xa xỉ...".

"Xóm nhà nổi" gồm gần 20 con thuyền nhỏ, neo đậu vào nhau ở Bãi giữa sông Hồng. Dân cư ở đây rất đông đúc, họ từ khắp mọi nơi về đây để sinh sống, phần lớn dân cư ở đây làm những nghề "trên cạn" như bốc vác, gánh hàng thuê, xe ôm, thu mua đồng nát quanh khu vực chợ Long Biên. Hàng ngày, những ông bố, bà mẹ ở các thuyền nổi dậy từ 2- 3h sáng để mưu sinh, để cho con cái ở nhà tự trông nhau. Chính vì thế, những đứa trẻ "đặc biệt" này rất ít khi được tiếp xúc với người lạ. Bác Minh cho chúng tôi biết, ở những thuyền này, cứ đứa  lớn trông đứa bé, bố mẹ đi từ lúc trời còn chưa sáng, đến đêm mới về đến thuyền, có khi, cả tuần chả gặp mặt con, vì chúng mải... ngủ. Những đứa trẻ này cứ tự chăm sóc nhau trên thuyền, từ ăn  uống, giặt giũ. Cả tháng chúng không được tắm là... chuyện thường.

Chúng tôi đến xóm chài vào lúc 15h chiều, gần 20 con thuyền nhưng chỉ có trẻ con và những người già ở nhà. Xóm thuyền nổi này rất đoàn kết, có cả chuyện một người già ở thuyền nào đấy có thể trông hơn 10 đứa trẻ của xóm bằng cách ngồi ở mép thuyền, quát cho chúng khỏi xuống sông nghịch nước, hay bày trò trên bãi bồi để "dụ" chúng lên chơi cho khỏi nguy hiểm. Vì đang vào mùa khô, nên sông Hồng cạn nước, mỗi lần có nhu cầu rửa tay, rửa rau, những đứa trẻ ở đây đều dùng một cái gầu dây bằng cao su buộc thêm dây thừng vào để múc nước ở dưới sông lên. Không có  mưa, nên nước ở đây đen đặc vì rác thải, túi nilon... khiến cho không gian đặc quánh mùi phế thải. Tại thuyền nhà anh Lên, em Trần Văn Dũng đang múc nước để... rửa mặt. Chỉ cách Hà Nội chưa đầy 2km nhưng xóm nghèo này đã có đủ ba không: Không điện, không nước sạch, không chữ. Cả xóm chỉ có bốn em bé là học qua  lớp bốn rồi phải nghỉ vì bố mẹ phải làm ăn, không đưa đón được.

Vì người lớn ở xóm làng chài lăn lộn với mưu sinh bất kể ngày mưa, ngày gió nên những đứa trẻ tại đây thường "khôn trước tuổi". Ba, bốn tuổi chúng đã tự biết làm việc nhà, chăm sóc bản thân và ăn ngủ đúng giờ. Mùa khô thì chúng tự do vui chơi tại thuyền, giải trí chỉ có những quả bóng bằng quả bưởi nhỏ, mấy trò chơi dân gian đánh chuyền, đánh đáo... khi nước dâng cao, bố mẹ chúng lại kéo thuyền vào gần chân cầu Long Biên, neo đến khi nào nước rút lại đưa thuyền về vị trí xóm nổi này.

Sống trên sông mà không… đánh cá

Chúng tôi ghé thăm một "ngôi nhà" có người lớn nữa, bà Lê Thị Xiêm, 55 tuổi cho chúng tôi biết: "Con cái đi làm hết, chỉ có tôi và hai cháu nội, một cháu ngoại ở thuyền. Quê tôi ở tận Hải Dương, hồi trẻ làm nghề gánh hoa quả thuê ở chợ Đồng Xuân, ban đầu thuê nhà trong phố, sau đó, con cái ra đời, nhiều thứ tốn kém, tôi và gia đình neo thuyền ra bãi bồi để ở. Giờ già rồi, tôi đành ở nhà trông cháu cho con cái đi làm".

Mang tiếng là xóm chài ven sông Hồng, nhưng hầu hết các gia đình ở đây không làm việc gì liên quan đến... chài lưới. Thuyền chỉ là nơi họ trở về sau những ngày làm việc mệt nhọc trong phố xá đông đúc Hà Nội. Bà Xiêm cho biết, vì sống biệt lập trong xóm, nên những đứa trẻ nơi đây cũng bị nhiều thiệt thòi. Nhìn lên trên là cầu Long Biên và những dòng xe đông đúc đi lại, nhưng nhiều đứa trẻ xóm chài này chưa từng biết đến tô phở hay những trò chơi hiện đại. Cũng vì cuộc sống nên bố mẹ chúng cứ đi từ sáng, đến đêm lại về, tuần tự như thế hàng tháng, hàng năm. Họ chỉ ở nhà vào ba ngày tết và những lúc con cái ốm. Tuy nhiên, dường như chúng cũng biết thương bố mẹ nghèo, nên rất ít khi ốm và làm phiền người lớn...

Bác Minh, người dẫn đường cho chúng tôi biết, dân xóm chài này toàn những người nghèo, họ không đủ tiền để mua đất trên bờ nên đành chấp nhận sống lênh đênh, không cố định như thế này. Cứ vài tháng một lần, lực lượng an ninh của mấy phường lân cận lại ra làm công tác tư tưởng, khuyên họ vào bờ, nhưng hơi khó. Vì cả gia đình, con cái chỉ sống trên thuyền, nếu đuổi họ đi thì không biết sống ở đâu. Bà Miên tiếp câu chuyện với chúng tôi, dạo gần đây, có một số đối tượng không nghề nghiệp, nghiện ngập hàng ngày "quẩn quanh" trong xóm để trộm vặt, khi thì cái chậu, khi thì nồi cơm nên bọn trẻ xóm này cũng cảnh giác, có gì giá trị là chúng mang vào trong thuyền hết để "giữ của".

Xã hội - Xóm mù chữ giữa lòng Hà Nội (Hình 2).

Đứng ở "bên phố" Mà thương "bên chài"

Ở cái xóm chài nghèo này, việc có những gia đình "chắp ghép" là chuyện thường, đó là những người đã từng có tiền án, tiền sự, sau khi mãn hạn tù về, họ ra xóm lập thuyền mưu sinh, gặp người hợp với mình và "chắp" lại thành một gia đình, không hôn thú, không đám cưới, lũ trẻ ra đời cũng không giấy tờ gì. Bà Xiêm buồn rầu cho chúng tôi biết: "Việc kiếm đủ tiền và mua đất trên bờ là việc không tưởng đối với chúng tôi. Vì còn phải vất vả chạy ăn từng bữa, nên trẻ con xóm này rất khổ, không được quan tâm. Một vài cháu được đến trường, nhưng hàng ngày phải đi bộ vào trong phố, mãi tận Phúc Xá, Phú Thượng nên bố mẹ chủ động cho bỏ học. Thành ra, các cháu đến đây vào giờ này vẫn thấy chúng thập thò trong các thuyền của gia đình, vì chúng sợ... người lạ. Chính vì trẻ con sinh ra không làm được giấy tờ khai sinh, nên việc xin đi học rất khó".

Trời đã về chiều, nhưng xóm chài ven sông này vẫn không có sự đầm ấm của không khí gia đình, do người lớn vẫn còn mưu sinh, kiếm tiền "bên phố". Ở đây, dân xóm chài phân biệt bằng cách gọi "bên  phố", "bên chài"...  rất xót xa. Nhìn những con thuyền đơn sơ, neo đậu bãi bồi mùa nước cạn, nhiều người không khỏi ngậm ngùi: Chỉ cách Hà Nội phồn hoa chưa đầy 2km nhưng cả xóm chỉ có hai cái tivi đen trắng, dùng bằng ác quy để giải trí. Người lớn mưu sinh đến tối khuya, trẻ con ở đây cũng biết "tự động" ngủ và chơi mà không hề biết mè nheo đến những món "quà phố" như điện tử, đồ chơi, sách vở... Tối đến không có điện, chúng thắp nến, đốt đèn dầu, ngồi "thu lu" trong thuyền đợi bố mẹ về và thổn thức cho đến khi ngủ quên. Đâu đó trong giấc mơ của những đứa trẻ nghèo, việc có được một bộ quần áo mới và đi đến trường là niềm mơ ước khôn nguôi...                            

Xóm mù chữ

Bà Trần Thị Miên, 60 tuổi, ngồi trên một con thuyền cho biết: "Cả xóm không ai có hộ khẩu ở đây cả, người lớn thì còn hộ khẩu ở quê cũ, sinh con đẻ cái ở đây có khi cũng không làm giấy khai sinh cho con nên việc cho chúng đi học là điều... không tưởng. Một vài người có về quê làm khai sinh cho con, cạy cục mãi mới "chạy" được cho con đến trường. Đi học được vài buổi thì không trụ được vì không có ai đưa rước chúng theo giờ hành chính, thế là thành... mù chữ".  

Phóng sự của Lạc Thành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.