Gia đình anh Phạm Văn S. (ấp Tân Phong, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam) là gia đình chịu nhiều mất mát nhất. Bà Huỳnh Thị B. (64 tuổi), mẹ vợ anh S., nghẹn ngào: "Con gái tôi (43 tuổi) vừa mất cách đây bốn tháng vì ung thư gan. Tiếp đến là đứa cháu ngoại cũng mất cách đây chưa được một tháng vì căn bệnh này. Cô cháu nhỏ xinh xắn vừa tốt nghiệp cao đẳng kế toán tại TP.HCM và kiếm được công ăn việc làm ổn định mới được chừng vài tháng thì phát bệnh và ra đi mãi mãi...".
Chỉ tính riêng trong xóm nhà anh S. đã có 15 người đang mắc các bệnh về gan, từ viêm gan, xơ gan cho đến ung thư gan. Anh N.V.T bị viêm gan C đã 6 năm nay và đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới (TP.HCM). Ông Đ.V.X bị ung thư gan, chi phí thuốc thang, hóa chất mỗi tháng hết khoảng 15 triệu đồng. Ông N.V.L đang trong giai đoạn hai của căn bệnh hiểm nghèo này...
Trao đổi với PV, ông Dương Văn Hưng, trưởng ấp Tân Phong cho biết: "Cả ấp có đến 80 - 90% gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo. Trong 10 năm qua, ấp có hơn 30 người chết vì ung thư gan". Chính gia đình ông Hưng cũng có con rể đang phải vật lộn với căn bệnh này. Ngoài ung thư gan, một số người dân trong ấp đã chết vì ung thư phổi, thực quản...
Ông Hưng chia sẻ: "Hiện, tôi cũng không thể biết chính xác trong ấp có bao nhiều người bị ung thư hoặc các bệnh về gan, vì nhiều người đã đi khám và có kết luận đã bị bệnh nhưng họ cố tình giấu diếm. Thậm chí, có người bị ung thư gan 6 - 7 năm nhưng phải đến giai đoạn cuối thì bà con trong xóm mới được biết. Nhiều người khác lại không dám đi khám vì sợ phát hiện bệnh".
Ông Huỳnh Văn Khích, phó chủ tịch UBND xã Thành Thới A cho biết, cả người dân và lãnh đạo xã đều đứng ngồi không yên nhiều tháng nay vì căn bệnh ung thư và số người dân tử vong cao đột biến bởi căn bệnh này. Lo lắng nhất là hiện không rõ nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư từ đâu. Việc thống kê, tính toán số người mắc bệnh hết sức khó khăn do người dân phần lớn không muốn công khai mình bị mắc bệnh, nhiều người chỉ dám cho bà con hàng xóm biết khi đã lâm vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh.
Theo số liệu của UBND xã Thành Thới A, hiện chỉ có 400/2.800 hộ dân trong xã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ nhà máy cấp nước duy nhất của xã được xây dựng cách đây 6 năm. Toàn bộ người dân ấp Tân Phong và các ấp lân cận đều phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa để nấu nướng, ăn uống và sử dụng nước từ kênh rạch, giếng khoan để sinh hoạt.
Thành Thới A cũng là xã có đàn heo lớn nhất huyện với hơn 30.000 con nên nguồn nước từ kênh rạch ô nhiễm trầm trọng, nhiều nơi bốc mùi hôi thối và rất mất vệ sinh nên nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân có thể từ đây mà ra...
Quốc Thái